Ngày 18/9, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 7 ca tử vong và 648 ca nhiễm mới, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên khoảng 103.482, trong đó có 2.096 người tử vong. Xuất phát từ diễn biến này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết giới chức y tế đang cân nhắc về việc tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4 cho người dân. 

Trước đó, Israel (quốc gia siêu tiêm chủng chủ yếu sử dụng vắc-xin Pfizer) đã chuẩn bị kế hoạch nhằm đảm bảo đủ nguồn cung vắc-xin COVID-19 trong trường hợp cần thực hiện việc tiêm liều thứ 4 cho người dân. Từng là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về tiêm vắc-xin COVID-19, nhưng Israel lại trở thành một điểm nóng dịch bệnh vào đầu tháng 9. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), do sự lây lan của biến thể Delta, Israel có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới trong tuần tính đến ngày 4/9.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu triển khai tiêm liều thứ 4 cho người dân 21 ngày sau khi họ tiêm liều thứ 3.   

vắc-xin
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: Par Shahjehan/Shutterstock)

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 vào ngày 10/2, đến nay hơn 70% dân số khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm chủng. Tính đến ngày 17/9, đã có 9.815.350 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong đó 8.819.139 người đã hoàn thành việc tiêm 2 liều. Trong khi đó, 1.725.316 thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi và 67.477 trẻ từ 6-12 tuổi tại nước này đã tiêm chủng.

Thủ tướng Hun Sen cho hay rằng nước này sẽ có ít nhất 9 triệu liều vắc-xin để tiêm mũi thứ 3 cho người dân và tính đến ngày 16/9, Campuchia đã tiêm liều bổ sung cho trên 800.000 người.

Khoảng 72% trong tổng số gần 17 triệu người Campuchia đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 kể từ khi chiến dịch tiêm chủng ở nước này bắt đầu vào tháng 2/2021. Loại vắc-xin được sử dụng chủ yếu ở Campuchia là Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: