Kể từ cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ở Campuchia năm 1993, đất nước chùa tháp đã thực hành chế độ dân chủ đa đảng được gần 25 năm. Nhưng tất cả các nỗ lực của người dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ thể chế dân chủ sắp tan thành mây khói trước quyết tâm củng cố quyền lực độc tài toàn trị của Thủ tướng Hun Sen. Đất nước Campuchia đang hướng tới trở hành quốc gia độc đảng mới nhất của thế giới.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Hun Sen tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn “Vành đai & Con đường” tổ chức tại Phúc Kiến, Trung Quốc hồi tháng 5/2017

Quyết định giải tán Đảng Cứu quốc đối lập (CNRP) của Tòa án Tối cao Campuchia hôm thứ Năm (16/11) có thể được coi là “quả trọng pháo hạng nặng” mà chính quyền Hun Sen bắn phá vào nền dân chủ đang trên bờ vực sụp đổ tại Campuchia.

Đẩy mạnh trấn áp dân chủ

Trong vài tháng trở lại đây chính quyền Campuchia đã tăng cường trấn áp các chính trị gia đối lập, nhà báo, các nhà hoạt động dân chủ với mục tiêu tối thượng là dọn đường cho Thủ tướng Hun Sen dễ dàng tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Tờ Deutsche Welle (Đức) cho hay trong vài tháng qua, chính quyền Hun Sen đã cho đóng cửa khoảng 19 đài phát thanh. Tờ báo Cambodia Daily phiên bản tiếng Anh cũng buộc phải đình bản từ 4/9 do bị chính phủ cáo buộc trốn thuế hàng triệu USD.

Cũng trong tháng 9, giới chức Campuchia đã bắt giam lãnh đạo Đảng CNRP, ông Kem Sokha, buộc tội ông này “âm mưu phản quốc” với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ.

CNRP, đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia, lực lượng chính trị duy nhất có thể đối trọng với quyền lực của ông Hun Sen và Đảng CPP cầm quyền. Với việc bị giải tán từ 16/11, 3 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên Đảng CNRP trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6 vừa qua đã không còn lực lượng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình; hơn 5.000 đảng viên CNRP mất việc làm; hơn một nửa trong số 55 thành viên quốc hội thuộc CNRP đã phải trốn chạy ra nước ngoài.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết giải tán CNRP, Thủ tướng Hun Sen đã nói rằng quyết định của tòa án dựa trên căn cứ pháp lý, và hứa rằng Campuchia sẽ tiếp tục “tuân thủ chặt chẽ nền dân chủ ở cả mức độ quốc gia và địa phương”.

Trong khi đó, với phần lớn lãnh đạo cấp cao đã ra nước ngoài, CNRP kêu gọi các nước phương Tây có hành động tức thì để ngăn chặn chính quyền Campuchia đang hướng tới chế độ độc tài.

Trong email gửi tờ ForeignPolicy (FP), phát ngôn viên của Đảng CNRP Kem Monovithya (con gái của ông Kem Sokha) nói rằng: “Ông Hun Sen đang chuyển hướng mục tiêu, đẩy mạnh tới lằn ranh đỏ, vì cộng đồng quốc tế chỉ phản ứng [theo sự vụ] chứ không áp chế trước”.

Xã hội “ổn định trong sợ hãi”

Cùng với việc đàn áp dân chủ, chính quyền Campuchia cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền vừa trấn an vừa răn đe người dân. Tờ the Wire đưa tin cùng thời điểm với việc Tòa án Tối cao tuyên bố giải tán Đảng CNRP, truyền hình nhà nước cũng phát đi các video cảnh báo về việc xã hội Campuchia sẽ chịu tình cảnh bất ổn giống như Syria hiện tại nếu chính quyền Hun Sen bị lật đổ.

Embed from Getty Images

Cảnh sát Campuchia tuần hành trên các tuyến phố chính tại Thủ đô Phnom Penh hôm 16/11 để phòng ngừa biểu tình

Lo sợ người dân biểu tình phản đối, các nhà chức trách đã điều động lực lượng an ninh phong tỏa trung tâm thủ đô Phnom Penh hôm 16/11, bảo vệ chặt chẽ an ninh xung quanh Tòa án Tối cao. Cảnh sát cũng đột nhập vào các cơ quan của các tổ chức phi chính phủ để kiểm tra, đảm bảo chắc chắn họ không tham gia biểu tình hoặc tổ chức biểu tình.

Tờ the Wire cho hay thực tế từ khi chính phủ Campuchia tiến hành trấn áp dân chủ mạnh mẽ, rất ít người dân dám phát ngôn công khai về các vấn đề chính trị.

Anh Mao Much Nech, một người bán hàng kim hoàn ở khu chợ ở thị trấn Takeo – nơi năm 2016 nhà báo Kem Ley, cũng là một nhà hoạt động dân chủ bị bắn chết một cách mờ ám, chia sẻ với tờ the Wire rằng anh không muốn nói về đảng phái anh đang ủng hộ. “Điều đó là nhạy cảm. Nhưng chính phủ đã đánh mất phẩm giá và sự tín nhiệm bởi các hành động ám sát. Đã đến lúc thức tỉnh và quay lại chiến đấu”, anh Mao Much Nech nói.

Gần Trung xa Mỹ

Ngoại giới nhận định, chính quyền Campuchia trong những tháng gần đây quyết tâm đẩy mạnh trấn áp lực lượng đối lập và báo chí dân chủ là do có cam kết hậu thuẫn từ Trung Quốc.

Thực tế, trong hàng thập kỷ qua Trung Quốc đã thiết lập được sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại đất nước chùa tháp. Chế độ Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền hỗ trợ chính phủ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, đập thủy điện, cầu cống, phát triển bất động sản…và bảo vệ Campuchia trước các phê bình của phương Tây về thực trạng dân chủ, nhân quyền. Đổi lại, chế độ Hun Sen ủng hộ các sáng kiến phát triển của Trung Quốc như dự án “Vành đai và Con đường”, đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan, và các tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc và Campuchia cũng hợp tác trong các vấn đề chính trị nội bộ, như thành lập nhóm tư vấn chung vào năm 2016 để nghiên cứu và ngăn chặn “các cuộc cách mạng màu” – tương tự như phong trào dân chủ mùa xuân Ả-Rập ở Trung Đông.

Năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi thành lập ASEAN, khối này đã không thể ra tuyên bố chung do Campuchia phản đối việc đưa vấn đề biển Đông vào văn kiện cuối cùng. Năm ngoái, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, đại diện của Phnom Penh cũng ngăn cản phiên họp này ra tuyên bố chung phản đối Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế về biển Đông.

Vào đầu năm 2017, Campuchia cũng quyết định hủy các cuộc tập trận thường niên với Mỹ trong các năm 2017 và 2018. Lý do mà giới chức Phnom Penh đưa ra là  nước này cần điều động quân đội vào các hoạt động nội bộ khác cấp bách hơn như chiến dịch chống ma túy và bảo vệ cuộc bầu cử địa phương trong tháng 6/2017 và tổng tuyển cử năm 2018. Tờ Diplomat khi đó nhận định rằng thực chất Phnom Penh tẩy chay hợp tác quân sự với Washington là để chiều lòng Bắc Kinh.

Tờ Fresh News, trang tin thân chính phủ Campuchia, cho hay hôm 17/11, trước thông tin Hoa Kỳ sẽ cắt viện trợ cho cuộc tổng tuyển cửa tại Campuchia năm 2018, Thủ tướng Campuchia trong phát biểu với công nhân ngành dệt đã nói rằng ông hoan nghênh việc Mỹ cắt giảm viện trợ bầu cử và thách thức Mỹ cắt giảm tất cả các khoản viện trợ còn lại.

[Tôi] khẳng định việc cắt viện trợ của Mỹ sẽ không giết chết chính phủ Campuchia, mà chỉ giết chết một nhóm những người đang phục vụ cho các chính sách của Mỹ“, tờ Fresh News dẫn phát biểu của ông Hun Sen.

Tân Bình

Xem thêm: