Hai nhà báo Campuchia làm việc cho một đài phát thanh Hoa Kỳ hôm thứ Ba (14/11) đã bị bắt giam với cáo buộc cung cấp thông tin cho thế lực nước ngoài. Những người này phải đối mặt với án tù giam lên tới 15 năm, theo hãng tin Deutsche Welle (Đức).

Tờ Deutsche Welle cho hay hai nhà báo người Campuchia là Uon Chhin và Yeang Socheameta là cựu phóng viên của Đài phát thanh Châu Á Tự do (RFA) của Hoa Kỳ, chi nhánh Phnom Penh, đã bị giới chức Campuchia bắt giam vào thứ Ba (14/11) và tới thứ Bảy (18/11) đã bị buộc tội gián điệp, có thể phải ngồi tù 15 năm.

Embed from Getty Images

Trước sức ép từ chính quyền Hun Sen, tờ Cambodia Daily buộc phải đình bản từ 4/9

Đài Châu Á Tự do chi nhánh Phnom Penh đã buộc phải dừng hoạt động từ tháng 9 vừa qua khi đối mặt với “sự dọa nạt” của chính quyền rằng họ vi phạm luật thuế và các thủ tục đăng ký.

Tờ Deutsche Welle dẫn theo nguồn tin trong nước Campuchia cho hay hai nhà báo Uon Chhin và Yeang Socheameta đã bị buộc tội thiết lập các phương tiện phát thanh ở thủ đô Phnom Penh và gửi các bản tin về trụ sở chính của RFA ở Washington D.C, Hoa Kỳ, trong thời điểm chi nhánh Phnom Penh của RFA đã ngừng hoạt động.

Việc bắt giữ và buộc tội gián điệp hai nhà báo làm việc cho đài phát thanh Mỹ là bước tiếp theo của những hoạt động trấn áp dân chủ mạnh mẽ của chính quyền Thủ tướng Hun Sen trong những tháng gần đây.

Tờ Deutsche Welle cho biết chính quyền Campuchia đã đóng cửa tới 19 đài phát thanh chỉ trong vài tháng vừa qua.

Đầu tháng 9, tờ Cambodia Daily tiếng Anh cũng đã phải dừng hoạt động sau khi bị cáo buộc vi phạm thuế. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen công khai công kích tờ báo này là “tay sai của nước ngoài”.

Tháng 9 là thời điểm giới chức Campuchia cho bắt giữ lãnh đạo đảng Cứu Quốc đối lập (CNRP), ông Kem Sokha với cáo buộc “ âm mưu phản quốc” dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

>>Campuchia: Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Hun Sen thả lãnh đạo phe đối lập

Tòa án Tối cao Campuchia, dưới sức ép từ Thủ tướng Hun Sen, đầu tuần qua đã tuyên bố giải tán đảng CNRP. Đây là bước đi quyết liệt nhất của ông Hun Sen nhằm mở đường cho việc tiếp tục tái cử nhiệm kỳ Thủ tướng tiếp theo trong cuộc bầu cử vào năm 2018.

Những động thái trấn áp truyền thông và phe đối lập của chính quyền Hun Sen đang vấp phải sự phán đối quyết liệt của các nước dân chủ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU).

Thượng viện Hoa Kỳ đầu tuần qua đã thông qua nghị quyết cam kết việc Mỹ sẽ thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và pháp quyền tại Campuchia.

Thượng nghị sĩ John McCain, người đồng giới thiệu nghị quyết này, cho hay: “Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã điều hành đất nước hơn ba thập kỷ và thông qua quyền lực của mình, ông ta đã tận dụng tất cả các phương tiện để hợp pháp hóa việc đàn áp phe đối lập, sách nhiễm các tổ chức xã hội dân sự, đe dọa giới truyền thông và khước từ khát vọng dân chủ của nhân dân Campuchia”.

Về phía EU, sau khi có thông tin đảng đối lập CNRP bị giải tán, phát ngôn viên của tổ chức này hôm thứ Sáu (17/11) đã lưu ý rằng việc tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Phnom Penh tiếp tục được hưởng các ưu đãi thương mại từ EU.

Một số chuyên gia quốc tế nhận định sở dĩ chính quyền Hun Sen tăng cường trấn án dân chủ bất chấp sự phản đối của phương Tây là do họ có sự hậu thuẫn từ phía Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh đã trợ giúp và đầu tư rất nhiều cho Thủ tướng Hun Sen để ông này có thể củng cố quyền lực và hướng đất nước chùa tháp tới nền độc tài toàn trị.

Xuân Thành

Xem thêm: