Theo một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, việc Campuchia nhanh chóng xây dựng hai tòa nhà tại Căn cứ Hải quân Ream đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc nâng cấp căn cứ này. Đặc biệt khi nó đặt tại khu vực phía Bắc sát với các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ đã bị Phnom Penh phá bỏ vào năm ngoái.

Embed from Getty Images

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một báo cáo công bố ngày 28/5 và cập nhật vào ngày 28/5, các tòa nhà mới của căn cứ này dường như đã được hoàn thành chỉ vài ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ viếng thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Theo AMTI, hình ảnh vệ tinh cho thấy việc giải phóng mặt bằng xây dựng bắt đầu vào khoảng sau ngày 17/4, việc xây dựng bắt đầu vào đầu tháng 5, và các công trình đã hoàn thành vào ngày 21/5. Tổ chức này còn tiết lộ, thêm, việc mở rộng nâng cấp căn cứ có khả năng bao gồm cả một cảng mới được nạo vét và một cơ sở sửa chữa tàu được xây dựng.

Báo cáo nhấn mạnh: “Tốc độ xây dựng chóng mặt tại [căn cứ] Ream [và] việc thiếu minh bạch … tiếp tục làm dấy lên nhiều nghi ngờ rằng việc nâng cấp [căn cứ] là nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc cũng như của Campuchia. Và những lo lắng đó rất có thể sẽ nằm trong danh sách các vấn đề mà Thứ trưởng Sherman sẽ nêu ra tại Phnom Penh.”

Thứ trưởng Sherman dự kiến sẽ đến thăm Phnom Penh và gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào thứ Ba (8/6) trong chuyến công du kéo dài 11 ngày bao gồm các điểm đến khác như Brussels, Ankara, Jakarta, Bangkok và Honolulu. 

Năm ngoái, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân này đã bị phá bỏ, khiến nhiều người, đặc biệt tại Washington, lo ngại rằng Phnom Penh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ này.

Những lo ngại như vậy đã xuất hiện kể từ khi một báo cáo hồi năm ngoái, trong đó chỉ ra Trung Quốc và Campuchia đã ký một “thỏa thuận bí mật” cho phép Bắc Kinh đóng quân, cất giữ vũ khí, và đậu các tàu chiến tại căn cứ này.

Những lo lắng này vẫn tồn tại mặc dù các quan chức Campuchia đã nhiều lần tuyên bố việc phá dỡ Tổng hành dinh Chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia không liên đến bất kỳ kế hoạch xây dựng nào của Trung Quốc. Thay vào đó, các quan chức tuyên bố rằng việc phá bỏ là để di dời cơ sở này đến một địa điểm thích hợp hơn có nhiều không gian hơn cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng 

Tuy nhiên, AMIT khẳng định trong báo cáo của mình rằng tuyên bố này khó mà phù hợp với địa điểm mới của tổng hành dinh trên “hòn đảo Koh Preab nhỏ bé”, đồng thời cho biết thêm rằng “hình ảnh [vệ tinh] gần đây cho thấy ba tòa nhà mới đang mọc lên tại địa điểm này nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với [tốc độ xây dựng] các công trình lớn hơn vừa hoàn thành tại [căn cứ] Ream”.

Ông Bunna Vann, giảng viên nghiên cứu của Viện Hợp tác và Hòa Bình Campuchia cho rằng, việc xây dựng các tòa nhà mới dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc “gần như nằm trong cùng một khu vực của các cơ sở do Mỹ xây dựng đã bị phá bỏ cho thấy rằng Trung Quốc là một chỗ dựa lớn để Campuchia phá bỏ các tòa nhà do Hoa Kỳ tài trợ”.

Ông Vann nói: “Điều này sẽ khiến Hoa Kỳ khó chịu hơn với Campuchia và gây thêm nhiều rắc rối cho mối quan hệ Campuchia – Hoa Kỳ.”

Ông Sovinda Po, giảng viên nghiên cứu cấp cao của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia và là ứng viên tiến sĩ tại Đại học Griffith của Úc, nói rằng thời gian hoàn thành dự án tại căn cứ Ream cho thấy Phnom Penh đang “chơi ván bài Trung Quốc với Mỹ.”

Ông Po cho hay: “Mục đích chính là để đạt được nhiều lợi thế hơn trong cuộc đàm phán của nước này [Campuchia] với Hoa Kỳ.” Ông cũng nói thêm rằng các vấn đề nổi bật sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán giữa Thứ trưởng Sherman và các quan chức Campuchia bao gồm dân chủ, nhân quyền và sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia.

Ông nhấn mạnh: “Về vấn đề Trung Quốc, Phnom Penh có khả năng sẽ bảo vệ lập trường của mình rằng Campuchia không phải là một quốc gia ủy nhiệm của Trung Quốc hoặc quốc gia dựa vào Trung Quốc.” Ông còn nhận định thêm rằng các quan chức Campuchia sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại độc lập của nước này, cũng như  hiến pháp của đất nước chùa tháp không cho phép chính phủ “trở thành quốc gia dựa vào bất kỳ quốc gia nào.”

Về chủ đề dân chủ và nhân quyền, ông Po nhìn nhận Phnom Penh được dự kiến sẽ chỉ ra rằng là một quốc gia có chủ quyền, Campuchia tôn trọng và thực hành các giá trị đó “với những đặc trưng riêng của mình.”

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chính phủ Campuchia đã nhiều lần dùng đến bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, đồng thời bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, các thành viên đảng đối lập cũng như dân thường chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách hòa bình.

Ông Po cho biết Campuchia đã nhiều lần bị coi là “cố gắng lấy lòng Trung Quốc” mà không xem xét đến mối quan ngại của Washington “khiến Hoa Kỳ cảm thấy khó chịu”.

Đầu tháng này, phát biểu tại một hội nghị quốc tế về tương lai của châu Á, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã hỏi ông có thể dựa vào ai nếu ông không dựa vào Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ Thương mại Campuchia thông báo, kim ngạch thương mại Trung Quốc – Campuchia đã đạt 3 tỷ đô la trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoài. Trong số đó, xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã đạt 424 triệu đô la, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong chuyến thăm Đông Nam Á, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của Asean cũng như [hỗ trợ] giải quyết các vấn đề song phương và khu vực, bao gồm nỗ lực yêu cầu quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực.

Ông Po của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định, chuyến thăm của bà Sherman sẽ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ và Campuchia hiểu nhau, nhưng ông cũng nói thêm rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy rằng chuyến thăm cấp thấp này sẽ giải quyết được các vấn đề của hai nước”.

Ông Vann cho biết trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực từ các chính phủ phương Tây về vấn đề suy thoái dân chủ và nhân quyền tại Campuchia, chính quyền Hun Sen đã phụ thuộc mạnh mẽ vào Bắc Kinh không chỉ để phát triển kinh tế mà còn để duy trì quyền lực.

Ông còn nói thêm rằng việc thiếu minh bạch về vấn đề xây dựng nhanh chóng các công trình tại căn cứ hải quân Ream là rủi ro chiến lược đối với Campuchia. Ông nhấn mạnh rằng việc một quốc gia cho phép một quốc gia khác giúp xây dựng một căn cứ quân sự hoặc các công trình quân sự không phải là điều bình thường.

Ông kết luận: “Trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ đẩy Campuchia vào chiến trường của cuộc đối đầu địa chính trị Mỹ-Trung.”

Gia Huy (Theo SCMP)

Xem thêm: