Hôm thứ Tư (27/12), Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ tại nhiệm thêm ít nhất 10 năm nữa, vài tuần sau khi tòa án tối cao giải thể đảng đối lập chính ở Campuchia trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Ông Hun Sen đã giữ vị trí lãnh đạo Cam Bốt trong hơn ba thập kỷ qua.

Embed from Getty Images

Phát biểu trước hàng ngàn công nhân may mặc tại một ngôi chùa ở ngoại ô Phnom Penh, ông Hun Sen nói ông sẽ nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ 5 năm nữa và kêu gọi công nhân bỏ phiếu cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông.

Tôi sẽ tiếp tục đắc cử Thủ tướng thêm hai nhiệm kỳ nữa không dưới 10 năm”.

Tôi hy vọng các bạn cũng như cha mẹ và ông bà của các bạn, nếu họ còn sống, và gia đình của các bạn tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ Đảng của tôi vào ngày 29 tháng 7 năm 2018”, Thủ tướng Campuchia nói.

Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị giải tán vào tháng 11 theo yêu cầu của ông Hun Sen.

Tháng 10 năm 2017, sau khi Chủ tịch CNRP Kem Sokha bị bắt giữ vì tội phản quốc, khoảng 55 thành viên cấp cao của CNRP bao gồm Phó Chủ tịch Mu Sochua đã trốn khỏi Campuchia trước khi họ bị Chính phủ Campuchia bắt giam.

Ngày 16 tháng 11 năm 2017, Tòa án Tối cao thông báo quyết định giải thể đảng Cứu Nguy Dân Tộc  và cấm 118 thành viên của đảng này tham gia chính trị trong 5 năm. Như vậy, CNRP sẽ mất toàn bộ số ghế từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức nhân quyền cảnh báo việc này đánh dấu cho sự kết thúc của nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hàng may mặc là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Campuchia tính tới nay và giới công nhân may mặc là nhóm có địa vị chính trị. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia đạt 6,3 tỉ đôla và tới 4,9 tỉ đôla trong bảy tháng đầu năm 2017.

Ông Hun Sen đang tìm cách lấy lòng giới công nhân may mặc trước cuộc tổng tuyển cử. Ông đã hứa hẹn tiền trợ cấp thai sản cho người lao động nữ và nhiều điều kiện khác.

Ông Hun Sen là một cựu quan chức của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nhưng rời bỏ hàng ngũ của nhóm diệt chủng này và tham gia vào việc lật đổ chế độ này vào năm 1979. Ông làm thủ tướng Campuchia từ năm 1985.

Các bước đi đàn áp đối lập để dọn đường thắng cử của ông Hun Sen đã khiến Mỹ và Châu Âu chỉ trích. Mỹ đã áp đặt một số chế tài và cùng liên minh Châu Âu cắt trợ cấp cho cuộc bầu cử 2018 tại Cam Bốt.

Trung Quốc đứng ngoài các chỉ trích nhân quyền chính phủ Hun Sen và nói  rằng họ ủng hộ các nỗ lực của chính phủ để duy trì an ninh quốc gia của Cam Bốt.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: