Trong 1 tuần qua bầu không khí chính trị tại Campuchia rất căng thẳng khi Thủ tướng Hun Sen gia tăng các áp lực chính trị lên phe đối lập, các nhóm nhân quyền và hãng truyền thông độc lập. Động thái này được cho là để nhà lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia thuận lợi hơn trong việc tái đắc cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2018.

Thủ tướng Hun Sen và chính quyền Campuchia là đồng minh thân cận của Trung Quốc.

Sau khi cho bắt giữ lãnh đạo đảng Cứu quốc đối lập Kem Sokha và ép tờ báo ủng hộ dân chủ Cambodia Daily đóng cửa hôm thứ Hai (4/9), Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Tư (6/9) đã thề sẽ tiếp tục đứng đầu chính phủ quốc gia Đông Nam Á này thêm 10 năm nữa.

Theo Reuters, phát biểu trước 10.000 công nhân may mặc ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen đã nói rằng ông đã quyết định tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa, sau đó ông mới tính đến chuyện rời nhiệm sở. Thủ tướng Campuchia nói: “Trước đây tôi đã từng dự định sẽ không tiếp tục tranh cử nữa, nhưng sau khi chứng kiến các hành động phản quốc của lãnh đạo phe đối lập những ngày qua, tôi đã quyết định phải tiếp tục công việc của mình thêm 10 năm nữa”.

Ông Hun Sen đã tại nhiệm vị trí Thủ tướng Campuchia được 32 năm. Hiện tại, ông đang là thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới. Vào năm 2007, ông Hun Sen từng nói rằng ông muốn nghỉ hưu ở tuổi 90, nhưng đã rút lại ý định này vào năm 2015. Ông đã từng nói: “Tôi yêu cầu tất cả những người nước ngoài, xin đừng ghen tị với tôi vì tôi đã trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới”.

Trước khi đưa ra tuyên bố sẽ tại nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ, ông Hun Sen đã có những động thái rất mạnh tay với các phe phái đối lập và bất đồng chính kiến.

Hôm thứ Hai (4/9), phát biểu tại lễ khai trương một nhà thờ tại tỉnh Kompong Cham, ông Hun Sen đã tuyên bố sẽ quyết tâm chống lại sự can thiệp của nước ngoài sau khi cộng đồng quốc tế lên án chính phủ Campuchia cho bắt giữ lãnh đạo đảng Cứu quốc đối lập Kem Sokha và ngày càng mở rộng các cuộc trấn áp những người bất đồng chính kiến với ông Hun Sen.

Ông Hun Sen nói: “Chúng tôi không cho phép bất cứ nhóm nào trở thành con rối của nước ngoài để phá hoại nền hòa bình mà chúng tôi đã dày công gìn giữ.

Chúng tôi không thể cho phép người nước ngoài sử dụng người Khmer để giết hại người Khmer thêm nữa”.

Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha (giữa) đã bị bắt tại nhà riêng hôm Chủ Nhật (3/9).

Reuters cho biết ông Sokha, Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia, đã bị bắt tại nhà riêng vào sáng sớm Chủ Nhật (3/9).

Con gái của ông Sokha có đăng trên Twitter rằng cho đến thứ Hai (4/9) cha của cô vẫn chưa được phép gặp luật sư.

Chúng tôi không biết tình trạng của ông ấy ra sao, không rõ ông có được an toàn không”, con gái của ông Sokha đăng tweet.

Liên minh Châu Âu (EU) đã yêu cầu chính quyền Campuchia phải thả tự do cho ông Sokha ngay lập tức vì cho rằng lãnh đạo đảng Cứu quốc đang là nghị sĩ quốc hội và có quyền miễn trừ tư pháp.

Trong một tuyên bố mới đây, EU đã nói rằng: “Cùng với các hành động gần đây của chính quyền chống lại các tổ chức phi chính phủ và một số cơ quan truyền thông, việc bắt giữ này gợi lên một nỗ lực khác nhằm hạn chế không gian dân chủ ở Campuchia”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về vụ bắt giữ ông Sokha và cho rằng những lời cáo buộc đối với nhà lãnh đạo phe đối lập dường như mang động cơ chính trị.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert  cho biết những bước đi này của chính quyền ông Hun Sen “dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về khả năng của chính phủ [Campuchia] trong việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia đáng tin cậy vào năm 2018, tạo ra kết quả có được tính hợp pháp dân chủ“.

Ông Hun Sen gần đây đã tăng cường những ngôn từ chống Mỹ, chấm dứt các cuộc tập trận chung, trục xuất một nhóm ủng hộ dân chủ của Hoa Kỳ tại Campuchia và hôm Chủ Nhật (3/9) công khai đổ lỗi Washington hậu thuẫn ông Kem Sokha thực hiện âm mưu phản quốc.

Chưa dừng lại ở đó, ông Hun Sen tiến thêm một bước nữa trong hành vi trấn áp dân chủ với việc ép tờ báo Cambodia Daily phải đóng cửa vào hôm thứ Hai (4/9).

Báo Cambodia Daily thông tin rằng họ buộc phải dừng xuất bản sau khi bị chính phủ ép nộp khoản thuế khổng lồ lên tới 6,3 triệu USD.

Một biên tập viên của tờ báo này nói với hãng tin Al Jazeera (Qatar) rằng: “Đây là một kết thúc khủng khiếp cho một tờ báo đã làm rất nhiều điều để cung cấp thông tin cho người dân Campuchia”.

Theo Al-Jazeera, tờ Cambodia Daily được thành lập từ năm 1993 bởi một cựu phóng viên thường trú tại Campuchia của tờ Newsweek (Mỹ) và theo lệnh của Quốc Vương Norodom Sihanouk.

Al Jazeera cho rằng dù chỉ có một số lượng phóng viên khiêm tốn khoảng 30 người, Cambodia Daily hiện nay vẫn tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng báo chí quốc tế, được coi là nơi thực hành tốt cho các nhà báo trẻ. Những phóng viên của tờ báo ủng hộ dân chủ tại Campuchia này sẽ được tiếp tục công việc phóng viên của mình trong các hãng tin lớn như AP, Reuters và New York Times.

Trong ấn phẩm cuối cùng xuất bản hôm thứ Hai (4/9), Cambodia Daily đã gửi thông điệp tới chính quyền Hun Sen bằng việc giật tiêu đề trên trang nhất rằng: “Suy thoái dưới Chế độ Độc tài”. Tiêu đề này được đi kèm với hình ảnh ông Kem Sokha bị bắt tại nhà riêng hôm Chủ Nhật (3/9).

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: