Campuchia sẽ triển khai tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 tăng cường cho người dân, luân chuyển giữa vắc-xin AstraZeneca và vắc-xin Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm Chủ Nhật (1/8) đã nói rằng chính quyền sẽ ưu tiên tiêm mũi vắc-xin thứ ba cho khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người thuộc lực lượng tuyến đầu trong trận chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong một bài phát biểu được đăng lên mạng truyền thông xã hội, ông Hun Sen cho hay: “Những người đã tiêm vắc-xin Sinopharm và Sinovac (đều của Trung Quốc) sẽ tiêm mũi tăng cường thứ ba bằng vắc-xin AstraZeneca. Với người Campuchia đã tiêm vắc xin AstraZeneca, mũi tăng cường thứ ba nên là vắc-xin Sinovac”.

Ông Hun Sen cũng nói rằng Campuchia sẽ mua thêm vắc-xin AstraZeneca thông qua cơ chế Covax để sử dụng vào tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, vắc-xin Johnson & Johnson do Mỹ tài trợ sẽ được dùng tiêm cho người dân bản địa tại đông bắc Campuchia.

Campuchia hiện nay cũng đang bùng phát dịch mạnh hơn so với năm ngoái, đặc biệt ở các tỉnh biên giới giáp Thái Lan. Chính quyền Hun Sen tuần này đã thực hiện phong tỏa 8 tỉnh giáp Thái Lan.

Tính đến 31/7, tổng số ca COVID-19 tại Campuchia là 77.919 ca, số ca COVID-19 tử vong là 1.420 ca.

Theo Bloomberg, Campuchia đã tiêm được gần 11 triệu liều vắc-xin COVID, tương đương 33,1% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, tốc độ tiêm chủng trung bình là 177.319 liều/ngày.

Campuchia không phải là nước duy nhất cho phép tiêm trộn các loại vắc-xin ngừa COVID.

Từ đầu tháng Bảy, Đức đã khuyến nghị những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca cho mũi đầu tiên sẽ tiêm mũi thứ hai bằng một loại vắc-xin khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, 66 tuổi, cũng đã tiêm mũi thứ hai của vắc-xin Moderna sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca.

Sau đó, Thái Lan và Indonesia cũng quyết định tiêm trộn vắc-xin. Hôm 12/7, Thái Lan cho biết họ sẽ lựa chọn vắc-xin AstraZeneca của Anh làm liều thứ hai cho những người đã tiêm liều đầu tiên vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Indonesia từ ngày 16/7 bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế, những người đã tiêm hai mũi vắc-xin Sinovac, một mũi bổ sung vắc-xin Moderna do Mỹ sản xuất.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế hồi giữa tháng Bảy cũng đã tuyên bố cho phép tiêm trộn vắc-xin Pfizer với vắc-xin AstraZeneca. Báo giới Việt Nam hôm 13/7 dẫn lời ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý, và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng”.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 đã khuyến cáo các nước không nên tiêm trộn vắc-xin chưa đủ dữ liệu khoa học. TS Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO cho rằng tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau là “xu hướng nguy hiểm” vì hiện có ít dữ liệu về tác động của cách làm này tới sức khỏe, theo Reuters.

Sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba hay thứ tư”, bà Swaminathan cảnh báo.

Như Ngọc (T/h)

Xem thêm: