Trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, mới đây chính phủ liên bang Canada đã cảnh báo các công ty Canada đang hoạt động và làm ăn với Trung Quốc về những rủi ro mà họ phải đối mặt nếu chuỗi cung ứng của họ liên quan đến lao động cưỡng bức.

Embed from Getty Images

Tuần trước, Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada (Global Affairs Canada) và Cơ quan Tư vấn Thương mại Canada đã ban hành một thông báo chính thức, cảnh báo các doanh nghiệp Canada về những rủi ro pháp lý và uy tín khi kinh doanh với các tổ chức đồng lõa với vi phạm nhân quyền và lao động cưỡng bức tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (XUAR).

Thông báo nêu rõ: “Chính phủ Canada quan ngại sâu sắc trước các báo cáo và bằng chứng tài liệu về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác tại XUAR do vấn đề tôn giáo và sắc tộc của họ dưới chiêu bài chống ‘khủng bố’ và ‘chủ nghĩa cực đoan tôn giáo’.”

Các cơ quan này lưu ý rằng việc chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo không chỉ diễn ra tại Tân Cương, mà trên toàn bộ đất nước này.

Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo tuyên bố rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.

Ông Pompeo khẳng định: “Sau khi xem xét cẩn thận các dữ kiện có sẵn, tôi khẳng định rằng ít nhất kể từ tháng 3/2017, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của ĐCSTQ, đã thực hiện các tội ác chống lại loài người, chủ yếu là nhằm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo khác tại Tân Cương.”

Ông nói thêm rằng các tội ác của ĐCSTQ bao gồm việc tùy tiện cầm tù hơn một triệu dân thường, cưỡng ép triệt sản, tra tấn những người bị giam giữ, cưỡng bức lao động, cũng như hạn chế quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do đi lại.

Tuần trước, Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada đã đưa ra một loạt các biện pháp mới để điều chỉnh việc xuất nhập khẩu của Canada nhằm ngăn chặn các sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các công ty Canada có quan hệ kinh doanh tại Tân cương sẽ phải ký “Tuyên bố Liêm chính Tân cương” để thể hiện sự hiểu biết của họ về tình hình nhân quyền tại khu vực này cũng như các luật cấm sử dụng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào yêu cầu này sẽ có hiệu lực.

Thông báo cũng lưu ý rằng Đạo luật Thuế quan được sửa đổi vào ngày 1/7/2020 là một phần của thỏa thuận Canada – Hoa Kỳ – Mexico nhằm cấm việc nhập khẩu hàng hóa sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) sẽ thực thi lệnh cấm này.

Theo một bài báo đăng trên Globe and Mail hôm thứ Hai (18/1), ít nhất ba doanh nghiệp giao dịch công khai của Canada vẫn đang hoạt động tại XUAR.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (20/1) rằng chính phủ Canada đã đàm luận với các quan chức Trung Quốc về vấn nạn vi phạm nhân quyền trong nhiều dịp và  đảm bảo rằng các công ty Canada sẽ không đồng lõa hoặc trục lợi từ những hành vi vi phạm nhân quyền như vậy.

Tuy nhiên, ông Trudeau đã không đưa ra câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi liệu ông có đảm bảo các công ty Canada không sử dụng lao động cưỡng bức hoặc góp phần vào vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc hay không.

Báo chí Canada đưa tin, một câu hỏi tương tự đã được gửi đến Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Mary Ng hôm thứ 4 (20/1), nhưng câu hỏi lại được chuyển đến CBSA và Cơ quan Phát triển Xã hội và Việc làm Canada, và các cơ quan này cũng không đưa ra một câu trả lời trực tiếp.

Phát ngôn viên của CBSA, ông Jacqueline Callin, giải thích rằng Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada, cơ quan có thẩm quyền cấm các sản phẩm nhập vào Canada dựa trên việc phân tích của mình, sẽ tạm giữ tại biên giới để kiểm tra các lô hàng có chứa hàng hóa bị nghi ngờ liên quan đến lao động cưỡng bức.

Nhật Minh (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: