Hôm 6/10, tờ Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông cho đăng bài viết của Học giả Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trong đó phân tích về nguy cơ chiến tranh Biển Đông trong bối cảnh cảnh thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang.

Embed from Getty Images

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur

Những hoạt động tự do hàng hải gần đây của tàu khu trục Mỹ USS Decatur, và cuộc chạm trán áp sát bởi tàu khu trục Trung Quốc khi cả 2 chiếc tàu chỉ cách nhau khoảng 41 mét ở Biển Đông, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông Koh, những căng thẳng Mỹ – Trung là rất gay gắt, bao gồm: lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với một đơn vị nghiên cứu thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vì đã mua vũ khí của Nga; việc Mỹ thông báo bán vũ khí cho Đài Loan; việc Bắc Kinh triệu hồi đô đốc hải quân Trung Quốc từ Mỹ trở về nước; việc Trung Quốc từ chối không cho tàu hải quân Mỹ đến Hồng Kông; và việc hủy bỏ một cuộc đối thoại an ninh cấp cao được lên kế hoạch giữa 2 nước.

Ông Koh cho rằng những diễn biến này có thể được xem xét trong bối cảnh rộng hơn của một mối quan hệ ngày càng gay gắt giữa 2 cường quốc, đặc biệt là cuộc tranh cãi thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.

Nhưng khi nói đến những vấn đề Biển Đông, người ta thấy sự bất đồng Trung – Mỹ và những xung đột quân sự – chính trị, đã tồn tại một thời gian dài trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại. Để đáp trả việc Bắc Kinh không thực hiện lời hứa của họ về việc không quân sự hóa Biển Đông, Mỹ đã hủy bỏ lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập hải quân đa quốc gia RIMPAC 2018, được tổ chức tại Hawai năm nay.

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur (ảnh trên), bị chiếc tàu đã bị Tàu Lan Châu 170 Trung Quốc (ảnh dưới) áp sát hôm 30/9.
Tàu khu trục Mỹ USS Decatur (ảnh trên), bị chiếc  Tàu Lan Châu 170 Trung Quốc (ảnh dưới) áp sát hôm 30/9 (Ảnh chụp màn hình)

Hành động gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể là một động thái trả đũa của Bắc Kinh, và để bày tỏ sự không hài lòng. Nhưng nó cũng có thể là một nỗ lực để giữ cho những căng thẳng không vượt qua điểm giới hạn, trở thành một cuộc đối đầu vũ trang hoàn toàn khi mà chưa bên nào sẵn sàng cho một tình huống như vậy. Các hậu quả chính trị và kinh tế là quá to lớn.

Theo ông Koh, Biển Đông vẫn là một khu vực quốc tế, mà cộng đồng quốc tế nói chung được tự do qua lại bằng đường biển và đường không. Vì thế cho đến nay, chưa có bất kỳ mưu toan của bất kỳ bên nào nhằm ngăn cản sự qua lại dân sự. Một hành động như vậy đồng nghĩa với sự gây hấn đối sự phát triển kinh tế thế giới, có tới khoảng 1/3 vận chuyển hàng hải của thế giới lưu thông qua khu vực biển này.

Tuy nhiên, ông Koh cho rằng Trung Quốc lại áp dụng một chiến lược khác đối với việc du hành quân sự. Bắc Kinh đã thách thức các máy bay quân sự nước ngoài, bay gần các căn cứ đóng quân của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong trường hợp gần đây nhất, chính là những thủ đoạn của tàu khu trục Trung Quốc, áp sát và hung hăng thách thức tàu khu trục USS Decatur của Mỹ hôm 30/9.

Đối với Trung Quốc, sự lùi bước có nghĩa là Bắc Kinh từ bỏ những yêu sách của họ đối với Biển Đông, từ bỏ yêu cầu lâu dài chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các tranh chấp. Điều này sẽ mang lại những tổn thất chính trị không thể tưởng tượng được đối với Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, đối với uy tín cá nhân và tính chính thống của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đối với Mỹ, sự lùi bước sẽ làm suy yếu những gì mà họ đang đấu tranh. Đó là sự tự do đi lại của các tàu dân sự và quân sự qua khu vực, và rộng hơn nữa, việc Mỹ lùi bước sẽ gây ra sự nghi ngờ về cam kết an ninh của Washington đối với khu vực. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn đối với sự tín nhiệm đối với Mỹ, như là một siêu cường quốc của thế giới.

Do đó, theo ông Koh, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ không giảm bớt các hoạt động quân sự của mình. Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động “thể hiện sự hiện diện”, bao gồm điều các chiến hạm tàu chiến và các lực lượng quân sự, giống như việc điều các máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Biển Đông trong thời gian gần đây. Đối nghịch lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa vùng biển, bao gồm việc tiến hành thường xuyên các cuộc tập trận không quân, hải quân và đổ bộ. Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn giải những động thái như vậy là những phản ứng “tự vệ” trước những hoạt động của quân đội Mỹ và các thế lực bên ngoài như Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh, những nước gần đây cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông.

Vậy liệu những căng thẳng này có kết thúc bằng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông hay không?

Theo ông Koh, không một nước nào, Trung Quốc hay Mỹ, cũng như bất kỳ nước Asean có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thực sự muốn trở thành bên đầu tiên nổ súng vì rủi ro bị các nước khác cô lập khi gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực.

Những động thái “thể hiện sức mạnh”, “thể hiện sự hiện diện” và những động thái ‘trả miếng’ của Trung Quốc và Mỹ (và những đồng minh và đối tác của Mỹ) sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng được duy trì một cách thận trọng, dưới ngưỡng sử dụng vũ lực hoàn toàn.

Trong trường hợp ôn hòa nhất, các máy bay và tàu chiến của hải quân PLA sẽ tiếp tục theo dõi các khí tài quân sự nước ngoài đi qua khu vực. Những căn cứ đồn trú của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ tiếp tục đưa ra những tuyên bố thách thức, được hỗ trợ bởi một số lượng lớn các năng lực quân sự, như tên lửa đất đối không, và có thể triển khai luân phiên các máy bay tiêm kích và máy bay chiến đấu khác.

Thật khó hình dung [nếu Bắc Kinh tuyên bố] một khu vực cấm bay hoặc vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Các động thái này có thể gây ra những hậu quả xung đột khu vực, bao gồm cả sự xa lánh của ít nhất một số quốc gia thành viên ASEAN. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng điều đến các tàu chiến và máy bay tiêm kích để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, giống như trường hợp áp sát tàu khu trục USS Decatur của Mỹ.

Nguy cơ về xung đột vũ trang có dự tính trước ở Biển Đông, có thể được giảm thiểu bởi các nền tảng an ninh khu vực hiện có, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), sẽ được tổ chức trong tháng 10 này tại Singapore.

Các sự kiện như vậy sẽ đóng vai trò như một kênh cấp cao cho các nhà hoạch định chính sách của các nước có liên quan, nêu lên những quan ngại, và thúc đẩy đối thoại. Trong khi các cuộc đàm phán được thực hiện như thường lệ, tỷ lệ đụng độ bất ngờ hoặc sơ xuất, có thể tăng lên với mật độ gia tăng của các lực lượng hoạt động trong các khu vực biển và không phận giới hạn, ông Koh nhận xét.

Trong sự thiếu hụt lâu dài của niềm tin chiến lược, vẫn có thể thúc đẩy an toàn hàng hải thông qua việc sử dụng các cơ chế xây dựng lòng tin, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử cho Những đụng độ Ngoài ý muốn trên Biển (CUES) được Hải quân 21 nước công bố tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương trong năm 2014.

Xem xét các tình huống đang diễn ra, bao gồm việc không ngừng phát triển tàu ngầm, và khả năng quay trở lại những cuộc chạm trán áp sát ở trên không, ông Koh cho rằng không chỉ thích hợp thực hiện nghiêm chỉnh Bộ qui tắc này, mà còn mở rộng cơ chế này đến những khía cạnh ngầm dưới biển và trên không.

Ông Koh cho rằng giai đoạn cuối của ‘trò chơi’ Biển Đông không nhất thiết phải xảy ra xung đột, mà đúng hơn là những động thái quân sự ‘ăn miếng trả miếng’ và những biện pháp đối phó, được duy trì dưới ngưỡng ‘chiến tranh’.

Sẽ là ảo tưởng nếu ngồi đợi tâm lý nghi hoặc chiến tranh tiêu tan nhanh chóng. Nhưng một rủi ro đáng tiếc, phát sinh do các cuộc đụng độ bất ngờ hay sơ suất giữa các lượng lượng đối địch, có thể thực sự xảy ra mà không có cảnh báo trước. Cơ chế xây dựng niềm tin, không chỉ ở những cấp độ chiến lược mà còn ở những hoạt động thực địa, và tính chuyên nghiệp của những người phục vụ trên mặt đất, sẽ là ‘bức tường thành’ chống lại những tình huống thảm khốc như vậy, theo nhận định của tác giả Koh.

Duy Minh

Xem thêm: