Sau cuộc gặp giữa nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, nhiều phân tích cho rằng căng thẳng giữa hai nước năm 2023 sẽ hạ nhiệt, nhưng dự đoán đó có vẻ không đúng khi những vụ việc căng thẳng Mỹ – Trung nối tiếp gần đây: khinh khí cầu do thám chưa lắng xuống lại đến vấn đề viện trợ vũ khí cho Nga, và nguồn gốc COVID-19 trở lại.

Dự án mới 3
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Joe Biden. (Ảnh ghép từ chính phủ TQ và Nhà Trắng)

Ba vấn đề trọng tâm này kết hợp với căng thẳng gia tăng giữa quân đội Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở châu Á, cùng bế tắc leo thang về vấn đề Đài Loan đang khiến xu thế đối nghịch căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc như trở thành xu thế thường trực. Mối quan hệ ngày càng đối nghịch này chạm đến nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng.

Vào tối thứ Hai, Nhà Trắng đã cho các cơ quan liên bang thời hạn 30 ngày để xóa TikTok – phiên bản quốc tế của Douyin thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance – khỏi thiết bị của các cơ quan liên bang. Sau đó vào thứ Ba (28/2), Ủy ban Chuyên trách Trung Quốc của Hạ viện Mỹ tổ chức phiên điều trần đầu tiên, một động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Công việc của ủy ban sẽ dựa trên tiền đề rằng Mỹ đang chuyển sang lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, vì Washington tin rằng một thế hệ lãnh đạo mới của ĐCSTQ đang tìm cách phá vỡ trật tự toàn cầu của Mỹ và luật pháp quốc tế.

Tranh chấp Mỹ-Trung sau sự cố khinh khí cầu và vấn đề Ukraine

Lầu Năm Góc ngày 2/2 thông báo Mỹ đang theo dõi khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc. ĐCSTQ trả lời rằng thiết bị này là khí cầu dân sự được sử dụng để nghiên cứu khí tượng, bay lạc vào không phận Mỹ do gió. Nhưng Mỹ sau đó đã đưa ra bằng chứng cho thấy đó là khinh khí cầu gián điệp. ĐCSTQ vẫn phủ nhận cáo buộc đó, thậm chí còn leo thang phản công lại rằng kể từ năm ngoái khinh khí cầu tầm cao của Mỹ đã hơn 10 lần bay qua không phận Trung Quốc. Nhà Trắng nhanh chóng phản bác rằng đây là tuyên truyền sai sự thật của phía Trung Quốc.

Sự cố khinh khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Blinken hoãn vô thời hạn chuyến thăm Trung Quốc vốn dự kiến ​​vào đầu tháng Hai – trước đó chuyến đi được Mỹ coi là cách để xoa dịu quan hệ Mỹ-Trung.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 18/2, quan chức ngoại giao cao nhất của ĐCSTQ là ông Vương Nghị tuyên bố vấn đề Washington bắn hạ khinh khí cầu là “không thể tin được”“hành động cuồng loạn”.

Ngay khi ông Vương Nghị thể hiện thái độ hung hăng kiêu ngạo, cùng ngày hôm đó ông Blinken đã công bố với thế giới một nguy cơ khác từ Trung Quốc: ĐCSTQ đang xem xét gửi viện trợ sát thương như đạn dược và vũ khí cho Nga, đồng thời cảnh báo hậu quả của động thái này.

Thực tế công bố đó có thể là bước ngoặt khiến Trung Quốc vào thế đối lập với Mỹ và NATO trong vai trò là những nước đang viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Trung Quốc phản ứng giận dữ trước cảnh báo của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân đáp trả: “Chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc liên tục cung cấp vũ khí cho chiến trường Ukraine. Mỹ không có tư cách ra lệnh cho Trung Quốc. Chúng tôi cũng không bao giờ chấp nhận việc Mỹ chỉ tay, thậm chí là ép buộc, gây áp lực về quan hệ Trung-Nga”.

Nếu cuối cùng ĐCSTQ quyết định gửi vũ khí cho Nga sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” do Mỹ vạch ra và quan hệ sẽ rơi xuống vực thẳm. Washington và Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với các công ty Trung Quốc, một rủi ro mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có thể phải cân nhắc cẩn thận khi nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi 3 năm thúc đẩy ‘Zero COVID’ cực đoan.

“Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ phải trả bất kỳ giá nào cho việc hỗ trợ Nga, [nếu có] đây sẽ là lần đầu tiên – một bước ngoặt”, cựu sĩ quan tình báo Kendall-Taylor tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề Nga và Á-Âu nói với CNN hôm thứ Hai.

Ngoại trưởng Blinken trực tiếp ngả bài với Trung Quốc khi hôm thứ Ba (28/2) tuyên bố rằng Mỹ sẽ trừng phạt các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

“Trung Quốc không thể đi cả hai đường trong cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine. Họ không thể vừa đưa ra đề nghị hòa bình vừa trợ giúp cho hỏa chiến mà Nga đã khơi mào”, ông Blinken phát biểu tại Kazakhstan hôm thứ Ba.

Cuộc chiến dư luận Trung-Mỹ trở lại vấn đề nguồn gốc của COVID-19

Tờ Wall Street Journal ngày 26/2 đưa tin Bộ Năng lượng Mỹ kết luận đại dịch COVID-19 rất có thể là do rò rỉ virus từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc, kết luận dựa trên một báo cáo tình báo mật gần đây được cung cấp cho Nhà Trắng và các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ.

Báo cáo cho biết kết luận của Bộ Năng lượng là kết quả của thông tin tình báo mới và rất quan trọng. Do cơ quan này có uy tín về chuyên môn khoa học và là cơ quan giám sát mạng lưới các phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ, trong đó có những nơi là cơ quan nghiên cứu sinh học hàng đầu.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã đáp lại phẫn nộ trước “thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm” xuất hiện trở lại ở Washington. Trong ngày thứ Hai (27/02) và thứ Ba (28/02), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh của ĐCSTQ đã cáo buộc Mỹ chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc virus và bôi nhọ Bắc Kinh.

Tại họp báo hôm thứ Hai (27/2), bà Mao Ninh cũng yêu cầu “các bên liên quan ngừng thổi phồng lập luận ‘rò rỉ phòng thí nghiệm’”, hôm sau người phát ngôn này ‘cắn trả’ rằng Mỹ nên trả lời các câu hỏi và mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về các cơ sở quân sự vũ khí sinh học của Mỹ trên khắp thế giới.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns cho biết hôm thứ Hai (27/2) rằng Trung Quốc phải “trung thực hơn” về nguồn gốc của virus nếu Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác [tìm hiểu vấn đề này].

Ngay hôm sau, vào hôm thứ Ba, người phát ngôn Mao Ninh của phía Trung Quốc đã lên án phát biểu của ông Burns là không có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ.

Trước đó hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh rằng việc điều tra nguồn gốc của virus không liên quan gì đến chính trị, đó là vấn đề an ninh quốc gia, có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa vấn đề an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Ông giải thích rằng Mỹ quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của COVID-19 để thế giới và Mỹ có thể chuẩn bị tốt hơn cho sự xuất hiện của những trường hợp bệnh truyền nhiễm như vậy.

Ông Price cho biết Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần hối thúc phía Trung Quốc cung cấp thêm thông tin để cuộc điều tra quốc tế được thuận lợi. “Tổng thống đã nêu vấn đề, ngoại trưởng đã nêu vấn đề, cố vấn an ninh quốc gia đã nêu vấn đề, và vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần và nhất quán ở mọi cấp vì nó rất quan trọng đối với chúng tôi”, ông Price nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch.

Ông chỉ trích chính phủ Trung Quốc cản trở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus: “Thật không may, ngay từ đầu Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngăn cản các nhà điều tra quốc tế và cộng đồng y tế toàn cầu thu thập thông tin họ cần để đưa ra kết luận”.

Hồi năm 2021, nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sau khi nhóm điều tra trở về rằng, nhóm điều tra của WHO đã bị cản trở thu thập dữ liệu ở Trung Quốc, vấn đề nguồn gốc của virus cần tiếp tục được điều tra.

Về vấn đề này, bà Mao Ninh tuyên bố hôm thứ Hai rằng Trung Quốc luôn “tích cực” hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong tìm hiểu các vấn đề khoa học.