Một quan chức Ấn Độ tiết lộ với tờ India Times rằng cuộc họp cấp cao quan trọng giữa Quân đội Ấn Độ và Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) dự kiến tổ chức hôm thứ Sáu (11/8) đã không thể diễn ra.

Quốc Vương và Hoàng Hậu Bhutan đang trải qua giai đoạn ngoại giao khó khăn trước căng thẳng Trung – Ấn trên cao nguyên Doklam mà Bhutan kiểm soát. 

Vị quan chức giấu tên cho hay: “Chúng tôi đã sắp xếp cuộc họp, nhưng phía Trung Quốc đã không xuất hiện. Họ (Trung Quốc) đã quyết định không tham gia vào buổi gặp này“.

Cuộc họp giữa quân đội hai nước rất quan trọng vì nó là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ để làm dịu đi những áp lực và chấm dứt xung đột Trung – Ấn.

Tờ India Times trước đó đã từng đăng tải thông tin rằng một cuộc họp giữa các sĩ quan cao cấp của Quân đội Ấn Độ và những người đồng cấp bên phía PLA sẽ diễn ra tại Sikkim vào thứ Sáu (11/8) . Thông qua cuộc họp quan trọng này, Ấn Độ muốn đảm bảo gìn giữ hòa bình dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) trên biên giới Trung – Ấn. Một số phương tiện truyền thông khác đã cho rằng cuộc gặp mặt này đã tiến hành theo đúng lịch trình nhưng hai bên không đạt được đồng thuận sau các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, sự thực là cuộc họp chưa hề diễn ra.

Trước đó, vào đầu tuần trước, đã diễn ra một cuộc họp giữa các sĩ quan trung cấp của quân đội hai nước. Trong cuộc gặp mặt này, Ấn Độ đề nghị Trung Quốc không nên thay đổi nguyên trạng cao nguyên Doklam (lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan) bằng cách xây dựng một con đường hướng tới Jampheri Ridge, cho đến khi cuộc xung đột kết thúc và quyền sở hữu vùng lãnh thổ này được quyết định. Đáp lại, Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ phải rút quân trước.

Ấn Độ cũng đang quan tâm đến việc liệu Trung Quốc có cử phái đoàn tới tham dự các cuộc họp nhân sự biên giới mang tính nghi thức (BPM), sẽ tổ chức vào ngày 15/8 tới đây hay không.

Theo India Times, BPM được tổ chức hàng năm tại 5 địa điểm dọc theo 3.440 km đường biên Trung – Ấn trong suốt các dịp kỷ niệm quan trọng của hai quốc gia như Ngày Độc lập, Ngày Cộng hòa và Ngày thành lập PLA (1/8). Những địa điểm diễn ra các cuộc hội nghị này là Daulat Beg Oldie và Chushul ở Ladakh; Bum La và Kibithu tại Arunachal Pradesh và Nathu La ở Sikkim. Những cuộc gặp như vậy nhằm mục đích đảm bảo hòa bình và hòa hợp giữa quân đội hai nước Trung – Ấn.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ nói với India Times rằng Quân đội Ấn Độ đã gửi lời mời PLA tới tham gia cuộc họp ngày 15/8. Nếu PLA tham gia các cuộc họp này thì đó chính là chỉ dấu cho thấy mối quan hệ hai nước được cải thiện. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng PLA đã không mời những người đồng cấp Ấn Độ tới BPM hôm 1/8 vừa qua, cho dù những năm trước việc này vẫn được thực hiện bình thường.

Giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, ông Kondapalli có trao đổi với hãng thông tấn Ấn Độ, IANS rằng với các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng mà ông nắm được, phía Trung Quốc đã huy động 700 binh sĩ và bổ sung thêm 300 quân tới cao nguyên Doklam.

Ông Kondapalli cũng cho hay có những thông tin nhận định rằng PLA đã đồn trú các phi cơ chiến đấu J10 và J11 tại Tây Tạng và đặt hệ thống tên lửa đất đối không HQ9 đối diện với vùng Arunachal Pradesh.

Trong khi đó, chuyên gia chiến lược quân sự Jai Kumar Verma lại có những dự đoán khác về động thái của Trung Quốc. Ông Verma cho rằng thực tế phía Trung Quốc mới là bên “muốn chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay”.

Trao đổi với IANS, ông Verma nói: “Trung Quốc  không có khả năng gây chiến với Ấn Độ và ngược lại Ấn Độ cũng vậy”.

>>Nội bộ Trung Quốc chia rẽ trong vấn đề biên giới Ấn Độ?

Ông Verma nhận định rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đặt nhiều tâm sức cho việc tái cử Tổng bí thư trong kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào tháng 10.

Ông Verma đánh giá: “Ông [Tập] muốn khẳng định quyền lực bằng việc dấy lên vấn đề Doklam. Họ (PLA) đang xây dựng quân đội tại đây, nhưng Trung Quốc không muốn chiến tranh với Ấn Độ vào thời điểm này. Đây chỉ là động thái đe dọa”.

Yên Sơn

Xem thêm: