Hôm Thứ Hai (21/11), Cảnh sát Vương quốc Anh tuyên bố đang tiếp tục điều tra vụ người Hồng Kông bị đánh ở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester vào tháng trước, đang trong quá trình thu thập bằng chứng, đã xác minh một số nghi phạm và xác định tội danh, và hứa sẽ đưa thủ phạm ra công lý.

Chủ Nhật 16/10, ngày đầu tiên của  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân Hồng Kông đã kéo tới biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester. Từ một cuộc biểu tình ôn hòa, đám đông trở nên hỗn loạn, một người đàn ông Hồng Kông đã bị “lôi” vào Lãnh sự quán và bị nhân viên Lãnh sự quán hành hung. Người đàn ông này chỉ thoát được khi cảnh sát Anh quốc phải vào Lãnh sự quán để giải cứu anh.

Không lâu sau đó, cảnh sát đã xác minh người bị nạn hôm đó là anh Bob Chan, một cư dân Hồng Kông (khoảng tuổi 30). Anh Chan kể đã bị những người đàn ông đeo khẩu trang kéo vào Lãnh sự quán rồi đánh đập, khi anh đang tham gia biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc. Chính phủ Anh lúc bấy giờ đã gọi vụ việc là “không thể chấp nhận được”.

Diễn biến tiếp theo, trong một thông cáo báo chí hôm Thứ Hai, Cảnh sát Manchester cho hay họ đã thu thập nhiều bằng chứng, bao gồm các đoạn video từ camera quan sát, từ các điện thoại di động, cùng các phỏng vấn nhiều người liên quan.

Cảnh sát Manchester tuyên bố họ đã xác định được một số tội danh và nghi phạm trong vụ đánh đập này, bao gồm tội hành hung và tội gây rối trật tự công cộng.

Ông Trịnh Hy Nguyên, Tổng lãnh sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Manchester, khi được hỏi về việc nhân viên lãnh sự quán đánh người biểu tình vào ngày 19/10, đã nói rằng “bất kỳ nhà ngoại giao nào” cũng sẽ làm như vậy. Tuy nhiên ông ta phủ nhận việc đánh bất cứ ai.

Nhưng khi phải đối mặt với một phóng viên của Sky News chất vấn về bức ảnh cho thấy ông Trịnh đeo khẩu trang và giật tóc anh Chen, thì ông Trịnh đã thôi không phủ nhận nữa, “Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của tôi”. Người phỏng vấn hỏi, “Có giật tóc anh ấy?” Ông Trịnh trả lời, “Có!”

Cảnh sát cho biết họ đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân tiềm năng khác của vụ việc này, và cũng nói rằng chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện cho đến nay.

Trợ lý Ủy viên Cảnh sát Chris Sykes cho biết: “Như chúng tôi đã dự đoán ngay từ đầu, đây là một cuộc điều tra phức tạp và các điều tra viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đảm bảo tất cả những ai được xác định là phạm tội sẽ bị đưa ra công lý vì hành vi của mình ngày hôm đó”.

“Chúng tôi đang tiếp tục để có được một bức tranh rõ ràng hơn về thời gian của các sự kiện dẫn đến tình huống leo thang từ một cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu. Điều này cũng cho phép chúng tôi xác định một số tội phạm cũng như các nghi phạm và nạn nhân tiềm năng.”

Ông Sykes cho biết cuộc điều tra khách quan là “nhạy cảm nhưng quan trọng” và sẽ tiếp tục cập nhật cho mọi người trong thời gian tới.

Phóng viên đặc biệt Lương Minh Khang của Chasing the News, người đã quay cảnh ngày hôm đó, đã nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng cảnh sát đã mời anh ấy đến lấy lời khai vào Chủ Nhật tuần trước.

Anh cho biết đã được hỏi về ý nghĩa của những hình ảnh và khẩu hiệu biểu tình ngày hôm đó. Cảnh sát có một số đội điều tra, và đôi khi hai đội sử dụng các phương tiện khác nhau để cố gắng liên lạc với cùng một người ở đó.

Anh ấy nói: Cảnh sát có thể không hiểu rõ lắm về mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục cùng tình hình hiện tại, tức là họ có nhiều câu hỏi với anh, chẳng hạn như ý nghĩa của những bức tranh biếm họa mà những người từ Lãnh sự quán đã lấy đi là gì? Hôm đó là ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại sao các bạn lại biểu tình vào ngày đó, tại sao các bạn lại mô tả Tập Cận Bình là hoàng đế v.v…

Cả Bob Chan và Lương Minh Khang đều nói rằng cảnh sát đã hỏi liệu họ có sẵn sàng làm chứng trước tòa nếu cần thiết hay không, và cả hai đều đồng ý.

Ngoại giao sói chiến

Sau vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lớn tiếng cáo buộc đó là “phiền toái ác ý của tội phạm”, và kêu gọi Anh quốc thực hiện trách nhiệm của mình cũng như có các biện pháp hiệu quả để tăng cường bảo vệ cơ sở và nhân viên của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Anh quốc.

Ngoại trưởng Anh Jesse Norman ngày 20/10 tuyên bố rằng đến khi cảnh sát Anh tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội bất kỳ quan chức nào của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester, thì Anh quốc kỳ vọng Lãnh sự quán sẽ thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao của họ, nếu không sẽ dẫn đến “hậu quả ngoại giao”.

“Mặc kệ đúng sai, to mồm liền đúng,” học giả pháp lý Đằng Bưu bình luận về chiêu “ngoại giao sói chiến” đặc hữu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc như vậy. “Ăn vạ, đe dọa, và hành xử thô bạo. Tuy nhiên những gì xảy ra ở Manchester đã nằm ngoài ngoại giao sói chiến rồi. Nó có thể được coi là một kiểu bắt cóc xuyên biên giới.”

Ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của Ban Tin tức Sankei Nhật Bản, đã đăng trên Facebook rằng vở diễn của ông Uông Văn Bân cũng còn có ý nghĩa khác, đó là đang diễn cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhìn thấy. Bởi vì chúng ta đều biết “những năm gần đây, nhập vai sói chiến sẽ dễ dàng thăng tiến hơn trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc.”

Thiên Đức