Theo báo Hong Kong Free Press (HKFP), hôm thứ Sáu (17/2) 7 cảnh sát Hồng Kông lãnh án 2 năm tù giam mỗi người vì đã đánh một người biểu tình vào năm 2014.

Hai trong 7 cảnh sát phải ra toà hôm thứ Sáu (17/2) vì bị tố cáo đánh một người biểu tình năm 2014

Sự việc xảy ra vào tháng 10 năm 2014, khi hàng ngàn sinh viên và thanh niên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi quyền bầu cử và phản đối Bắc Kinh can thiệp sâu vào công việc nội bộ thành phố.

Một số máy quay đã ghi lại được cảnh những cảnh sát trên đưa nhà hoạt động Ken Tsang đang bị còng tay từ khu vực biểu tình tới một công viên và đấm đá ông khi ông này ngã gục xuống đất.

Sự việc đã làm cả thành phố chấn động và tức giận.

Theo BBC, cảnh sát ở Hồng Kông thường được người dân tôn trọng và các sự việc cảnh sát đánh người hiếm khi xảy ra.

Nhưng những người tham gia biểu tình chiếm trung tâm và phong trào dù vàng năm 2014 cáo buộc cảnh sát quá mạnh tay trong cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày.

Trước toà, luật sư bào chữa cho 7 cảnh sát nói rằng những cảnh sát này đã hành động trong trạng thái bị kích động vì bị người biểu tình xúc phạm cả bằng hành động lẫn lời nói.

Nhưng theo thẩm phán David Dufton, dù cảnh sát có đúng là phải làm việc dưới áp lực nặng nề, nhưng việc này không thể biện hộ cho hành vi tấn công người biểu tình.

Vụ tấn công sai trái này đã gây thiệt hại lớn cho Hồng Kông trong con mắt cộng đồng quốc tế“, thẩm phán nói.

Toà án ra phán quyết dựa trên công nhận ông Tsang chịu thương tổn ở mặt, cổ, và thân thể, nhưng nhẹ hơn cáo buộc ban đầu là ông bị thương nghiêm trọng.

Trong một dòng Facebook post, ông Tsang nói ông đã chờ đợi phán quyết này 2 năm ròng rã:

Đây là một chiến thắng nhỏ cho phong trào dân sự đấu tranh chống lại bạo lực cảnh sát, nhưng chúng ta không được quên lý tưởng của Cuộc cách mạng Ô dù. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh đòi quyền phổ thông đầu phiếu thực sự“.

Năm 1997, Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc với thoả thuận Bắc Kinh cho phép thành phố này được hưởng “một quốc gia hai chế độ”.

Nhưng ngày càng có nhiều người Hồng Kông, nhất là thanh niên, lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chính quyền trung ương Bắc Kinh lên các công việc nội bộ của thành phố. Thậm chí đã xuất hiện các phong trào đòi ly khai khỏi Trung Quốc.

Trọng Đức (t/h)

Xem thêm: