Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 16/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 24.258 ca mắc COVID-19 mới và 476 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.417.745 ca, trong đó có khoảng 85.791 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại Indonesia, nước này có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí cao nhất châu Á. Ngày 16/6, Indonesia ghi nhận thêm khoảng 9.944 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 22/2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên khoảng 1.937.652 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 196 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên khoảng 53.476 ca.

Chính quyền thủ đô Jakarta đã quyết định gia hạn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) đến ngày 28/6 tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr hồi tháng 5 vừa qua.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Jakarta Widyastuti cho biết quyết định trên được đưa ra do tốc độ gia tăng đáng báo động các ca mắc mới COVID-19 tại khu vực thủ đô trong 2 tuần qua. Tính đến ngày 14/6, số lượng bệnh nhân đang được điều trị hoặc tự cách ly tại Jakarta lên tới 19.096, tăng 9.000 so với 2 tuần trước đó. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới dao động từ 2.000-2.700 ca mỗi ngày, nâng tỷ lệ người còn dương tính với virus corona lên tới 17,9%.

Một vấn đề khác đang được quan tâm là sự xuất hiện các biến thể mới xâm nhập từ nước ngoài. Theo bà Widyastuti, một số biến thể cần phải được theo dõi sát sao, đặc biệt là biến thể Delta (B.1.617.2) và biến thể Beta (B.1.351) có khả năng lây lan nhanh chóng và gây tử vong cao hơn.

Tại Philippines, tình hình dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới trong ngày cao thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 16/6 cũng đứng thứ 2 toàn khối.

Tại Malaysia, tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Ngày 16/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 3 Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 73 trường hợp tử vong (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Tại Myanmar, trong 24 giờ qua báo cáo 355 ca bệnh mới và có 2 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, nước này cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Thái Lan trong ngày 16/6 ghi nhận thêm trên 2.331 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 40 người.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này dự tính mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 120 ngày tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Thông tin trên được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha công bố ngày 16/6 trong bài phát biểu trên truyền hình.

Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định hiện Thái Lan đã đảm bảo đủ 105,5 triệu liều vắc-xin phòng bệnh trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vắc-xin mới cho năm tới. Ông cho biết thêm quốc gia Đông Nam Á này dự định từ tháng 7 tới sẽ tiêm trung bình 10 triệu liều vắc-xin mỗi tháng và hướng tới mở cửa đón du khách, trong và ngoài nước, đã được tiêm phòng đầy đủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Theo đó, những người này sẽ không phải chịu quy định cách ly khi tới Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định việc mở cửa trở lại là một biện pháp quan trọng để giảm gánh nặng kinh tế cho những người dân đã mất đi thu nhập trong suốt một năm qua. Theo ông, khi xét đến những nhu cầu kinh tế của người dân, Chính phủ Thái Lan cho rằng đã đến lúc cần thực hiện biện pháp này. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tuyên bố mở cửa đất nước trong vòng 120 ngày tới và với những địa điểm du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng, việc mở cửa có thể được thực hiện sớm hơn.

Tại Lào, Bộ Y tế cho biết nước này bắt đầu đợt tiêm vắc-xin vòng hai với các quy định cụ thể đối với các loại vắc-xin khác nhau.

Lào bắt đầu tiêm vắc-xin của Pfizer mũi một tại Thủ đô Viêng chăn từ ngày 15/6. Việc chỉ tiến hành tiêm loại vắc-xin này ở Thủ đô Viêng Chăn do vắc-xin Pfizer là loại cần phải bảo quản trong những thiết bị đặc biệt. Các đối tượng bao gồm: người hơn 60 tuổi, người có bệnh lý nền và cán bộ, công chức có môi trường làm việc có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Đồng thời, Lào cũng triển khai tiêm vắc-xin của hãng Sinopharm mũi một và tiêm vắc-xin AstraZeneca mũi hai cho các đối tượng đã tiêm mũi một trước đây.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 16/6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 8 ca nhiễm mới, trong đó có 6 ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.033 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.910 người và 3 người tử vong.

Tại Campuchia, Bộ Y tế Campuchia ngày 16/6 xác nhận có thêm 693 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm 33 ca nhập cảnh và 660 ca lây nhiễm cộng đồng). Trong khi đó, nước này có thêm 7 người tử vong. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Số ca mắc COVID-19 đến ngày 16/6 đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có hơn 38.000 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”.

Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng khoảng 40.157 ca mắc COVID-19, trong đó có 368 người tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: