Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 23.462 ca mắc COVID-19 mới và 422 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.244.790 ca, trong đó có khoảng 82.922 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Sharif Putra/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại Indonesia, đây vẫn là ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á với  số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất khối.

Tại Philippines, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu với số ca mắc mới trong ngày cao thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, còn số ca tử vong trong ngày 9/6 cũng đứng thứ 2 toàn khối ASEAN.

Tại Malaysia, trong ngày 9/6, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ 2 Đông Nam Á, đồng thời có 82 ca tử vong, đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện hơn.

Tại Myanmar, trong 24 giờ qua ghi nhận 136 ca bệnh mới và có 5 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, trong ngày 9/6, quốc gia này ghi nhận thêm khoảng 2.680 ca nhiễm bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 35 người, qua đó nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 185.288, trong đó có 1.332 ca tử vong. Chỉ riêng làn sóng COVID-19 thứ 3 từ đầu tháng 4 đến nay đã làm cho 156.365 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 1.238 người.

Chính phủ Thái Lan sẽ cho phép các tổ chức tư nhân và cơ quan hành chính địa phương mua vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng chỉ thông qua các kênh của Chính phủ.

Đại tướng Natthapon Nakpanich, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia kiêm Giám đốc hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 9/6 cho biết các tổ chức tư nhân và cơ quan hành chính địa phương có thể mua vắc-xin ngừa COVID-19 từ Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Viện vắc-xin Quốc gia, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ, Hiệp hội Chữ thập Đỏ Thái Lan, Học viện Hoàng gia Chulabhorn và các cơ quan chính phủ khác sẽ được công bố sau.

Theo Đại tướng Natthapon, việc mua sắm vắc-xin ngừa COVID-19 không thể được thực hiện trực tiếp vì nguồn cung cấp vẫn còn hạn chế và mỗi nhà sản xuất sẽ chỉ thực hiện một hợp đồng cung cấp ở mỗi quốc gia. Ông Natthapon nhận xét rằng trên thực tế không phải tất cả các cơ quan hành chính địa phương đều có thể mua vắc-xin ngừa COVID-19 do hạn chế về ngân sách ở địa phương. Các cơ quan hành chính địa phương chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm chủng của CCSA và Bộ Y tế trong địa phương mình. Việc mua sắm vắc-xin cũng sẽ cần có sự phê duyệt của ủy ban về các bệnh truyền nhiễm cấp tỉnh do các tỉnh trưởng đứng đầu và sau đó là từ CCSA.

Tại Campuchia, nước này ghi nhận 729 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong 24 giờ ngày qua. Tính đến nay, Campuchia có 36.240 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 289 ca tử vong. Campuchia hiện đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 9/6 đã thông báo tái áp đặt tình trạng quản lý cấp độ “Khu vực Vàng sậm” với một số điểm tại thủ đô Phnom Penh.

Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 của Campuchia được triển khai từ ngày 10/2/2021, trên cả nước đã có 2.203.744 người được tiêm mũi thứ hai, với các loại vắc-xin được sử dụng gồm Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca (COVISHIEL).

Sau khi được phát động từ Phnom Penh, chiến dịch tiêm chủng này chuẩn bị được triển khai rộng ra nhiều tỉnh thành khác của Campuchia. Theo kế hoạch, từ ngày 10/6, tỉnh Kandal giáp giới Phnom Penh sẽ tiến hành tiêm chủng trên diện rộng cho 11 huyện cho tất cả mọi người dân. Tỉnh trưởng tỉnh Kandal, ông Kong Sophoan cho biết tỉnh đã chuẩn bị khoảng 700 nhân viên y tế chuyên nghiệp cho kế hoạch tiêm chủng này và sắp tới sẽ đào tạo bổ sung thêm khoảng 1.800 người.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: