Theo người đứng đầu công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), đến giữa năm 2022, thế giới có thể cần loại vắc-xin COVID-19 mới để đối phó những biến thể mới của virus corona. BioNTech là đơn vị đồng phát triển vắc-xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA cùng với hãng Pfizer (Mỹ).

vắc-xin COVID-19
Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Ugur Sahin. (Ảnh: Chụp màn hình)

Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Ugur Sahin nói với Financial Times rằng các biến thể của virus corona như Delta dễ lây lan hơn nhưng có thể được giải quyết bằng cách tiêm liều vắc-xin bổ sung. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng các biến thể có thể vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể người đã tiêm vắc-xin COVID-19.

Ông Sahin cho hay: “Loại vắc-xin khác là hoàn toàn không cần thiết trong năm nay. Nhưng đến giữa năm sau tình hình có thể khác biệt hoàn toàn. Virus vẫn sẽ hiện hữu và chúng còn có thể thích ứng hơn”. Ông nói thêm rằng phiên bản biến đổi của các vắc-xin hiện nay là cần thiết để nhắm đến những chủng mới xuất hiện.

Ông dự đoán rằng chương trình tiêm vắc-xin trên thế giới sẽ tập trung theo 2 hướng trong năm tới. Theo đó, những người đã tiêm đủ sẽ tiêm liều vắc-xin bổ sung và hướng còn lại là tiêm chủng cho những đối tượng ít tiếp cận với vắc-xin.

Một số nhà sản xuất vắc-xin như BioNTech và Pfizer đang đối mặt với yêu cầu chia sẻ công nghệ và sáng chế để tạo điều kiện cho sản xuất vắc-xin trên quy mô rộng hơn.

Trong khi ông Sahin nhận định việc chia sẻ bằng sáng chế không gây rủi ro cho việc kiểm soát chất lượng vắc-xin, thì Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla đã nhiều lần lập luận rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không khuyến khích đổi mới. Tuy nhiên, những nhà phê bình như cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Tom Frieden đã cáo buộc các công ty dược phẩm “trục lợi chiến tranh”.

Ông Sahin từ chối dự báo giá vắc-xin Pfizer/BioNTech trong tương lai, nhưng nhấn mạnh với truyền thông rằng vắc-xin này vẫn cần thiết trong những năm tới.

Theo Business Insider,

Phan Anh

Xem thêm: