Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành (CEO) hãng BioNTech, cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 21/11 vừa qua rằng người dân trên thế giới sẽ cần phải tiêm vắc-xin COVID-19 định kỳ hàng năm, ít nhất là với vắc-xin Pfizer.

BioNTech
Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Ugur Sahin. (Ảnh: Chụp màn hình)

Trả lời phỏng vấn trên tờ Bild (Đức), ông Sahin cho hay rằng vắc-xin COVID-19 do BioNTech hợp tác sản xuất với Pfizer là “rất hiệu quả”.

Khi được hỏi về mối lo ngại từ những người đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn nhiễm bệnh, ông Sahin cho rằng, vắc-xin cung cấp “hiệu quả bảo vệ 90%” trong việc ngăn ngừa các ca bệnh trở nặng từ 60 tuổi trở lên.

Ông Sahin nói: “Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin bắt đầu sụt giảm sau 4 tháng. Nhưng mức độ bảo vệ trước tình trạng bệnh trở nặng của vắc-xin vẫn duy trì ở mức rất cao trong 9 tháng”.

Theo ông, để phục hồi mức độ kháng thể và cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, người dân nên tiêm liều vắc-xin bổ sung.

Bên cạnh đó, CEO BioNTech tin rằng mọi người cần tiêm vắc-xin COVID-19 mỗi năm. “Cần tiêm định kỳ hàng năm, tương tự như vắc-xin ngừa cúm”, ông Sahin nói.

Theo ước tính, ba hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna hiện đang kiếm được khoảng 65.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng) mỗi phút, tương đương với khoảng 93,5 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) mỗi ngày, hơn 1.000 USD mỗi giây nhờ việc bán vắc-xin COVID-19 của mình.

Dựa trên báo cáo thu nhập của 3 công ty trên, Liên minh Vắc-xin Nhân dân (PVA) cho biết các hãng dược phẩm đã bán phần lớn liều lượng sản xuất được của mình cho các quốc gia giàu có.

Bà Maaza Seyoum làm việc tại PVA ở châu Phi cho hay: “Thật đáng chê trách khi một vài công ty kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận mỗi giờ, trong khi chỉ 2% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã tiêm phòng đầy đủ”.

PVA cho biết rằng Pfizer và BioNTech chuyển giao chưa đầy 1% tổng sản lượng vắc-xin cho các nước thu nhập thấp, trong khi tỷ lệ này ở Moderna là 0,2%.

PVA cho hay thêm rằng mặc dù nhận được nguồn ngân sách công hơn 8 tỷ USD, thế nhưng Pfizer, BioNTech và Moderna vẫn từ chối lời kêu gọi chuyển giao công nghệ vắc-xin cho những nhà sản xuất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

PVA, với 80 thành viên bao gồm Liên minh châu Phi, Global Justice Now, Oxfam và UNAids, hiện đang kêu gọi các tập đoàn dược phẩm đình chỉ ngay lập tức quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm vắc-xin COVID-19.

Theo RT,

Phan Anh

Xem thêm: