Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đã “nói đùa” vào thứ Ba rằng ngân hàng của ông sẽ tồn tại lâu hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng tất nhiên là không thể nói như vậy ở nước này. 

Embed from Getty Images

CEO JP Morgan Jamie Dimon tham gia diễn đàn chính sách với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 3/2/2017. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ngân hàng JPMorgan Chase đã thành lập các chi nhánh tại Trung Quốc từ năm 1921, ĐCSTQ cũng tuyên bố thành lập cùng năm. Ngân hàng này có chi nhánh ở nhiều thành phố tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, ông Dimon đã nói đùa khi tham dự chuỗi cuộc phỏng vấn Giám đốc điều hành của Trường Cao đẳng Boston vào hôm thứ Ba: “Hôm trước, tôi đã nói đùa rằng ĐCSTQ đang kỷ niệm 100 năm thành lập – JPMorgan cũng vậy.”

“Tôi cá là chúng ta sống lâu hơn (so với ĐCSTQ),” ông tiếp tục.

Ngay sau đó, ông Dimon đã cố gắng rút lại bình luận của mình. “Tôi không thể nói điều này ở Trung Quốc,”“dù sao đi nữa, họ (chính quyền ĐCSTQ) có thể đang lắng nghe (giám sát).”

Ông Dimon đã bày tỏ quan điểm của mình về một loạt các vấn đề như chuỗi cung ứng, lạm phát, nền kinh tế Hoa Kỳ và tiền điện tử vào hôm thứ Ba. Ông công khai thừa nhận rằng căng thẳng lâu dài vẫn tồn tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các vấn đề như thực hiện thương mại không công bằng lẽ ra đã được giải quyết từ lâu. Tuy nhiên, JPMorgan Chase không thể cắt đứt quan hệ kinh doanh với một quốc gia chỉ vì nước này không đồng ý với một chính sách nào đó của Bắc Kinh.

Vào tháng Tám, JPMorgan Chase đã nhận được sự phê duyệt của Chính phủ Trung Quốc để trở thành công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài ở quốc gia này. Đây là ngân hàng nước ngoài đầu tiên giành được sự chấp thuận như vậy.

Vào thời điểm đó, ông Dimon nói: “Đối với nhiều khách hàng của chúng tôi và JPMorgan Chase, Trung Quốc đại diện cho một trong những cơ hội lớn nhất trên thế giới.”

Tuy nhiên, “câu nói đùa” về tuổi thọ của ĐCSTQ ở trên có thể tạo nguy cơ gây nguy hiểm cho tham vọng tăng trưởng của JPMorgan tại Trung Quốc. Do đó, ngay hôm sau (thứ Tư), ông Dimon cho biết, ông lấy làm tiếc về nhận xét của mình. Lời xin lỗi này nhằm để đảm bảo không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào.

Theo Reuters, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu, vốn là nhà báo mạnh miệng nhất của ĐCSTQ, nói trên Twitter: “Hãy suy nghĩ về lâu dài! Và tôi cá rằng ĐCSTQ sẽ tồn tại lâu hơn Hoa Kỳ.”

Các giám đốc điều hành toàn cầu thường lựa chọn từ ngữ của họ một cách cẩn thận khi thảo luận về Trung Quốc, nơi các công ty nước ngoài đôi khi phải hứng chịu phản ứng dữ dội và thiệt hại nặng nề vì “dám” lên tiếng về những suy nghĩ của mình.

Vào năm 2019, để bày tỏ sự xúc động về phong trào dân chủ ở Hồng Kông, ông Daryl Morey, Giám đốc Đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA), đã đăng một bình luận trên Twitter có các dòng chữ “Chiến đấu cho tự do”, “ủng hộ Hồng Kông”. Ông Morey sau đó đã bị lên án và xúc phạm trên Internet và các phương tiện truyền thông Trung Quốc. NBA đã bị thiệt hại hàng trăm triệu USD, việc phát sóng các trận đấu của NBA tại Trung Quốc gần như bị gián đoạn hoàn toàn.

Đầu năm nay, tập đoàn thời trang khổng lồ H&M của Thụy Điển và Nike có trụ sở tại Mỹ đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông ĐCSTQ sau khi bày tỏ lo ngại về cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương.

Ông Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng rằng họ sẵn sàng hạn chế hoặc trong một số trường hợp đóng cửa hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại nước này nếu họ thách thức chính phủ một cách công khai hoặc thậm chí có những hành động nhỏ nhặt hoặc gián tiếp.”

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: