Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc bệnh tăng lên không ngừng trong thời gian gần đây, qua đó đặt ra dấu hỏi về nỗ lực phục hồi sau đại dịch của “lục địa già”. Dù đã đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân nhiều nhất trên thế giới, hàng loạt các quốc gia châu Âu liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

châu Âu
(Ảnh minh họa: Par Khukeng/Shutterstock)

Một số nước như Romania và Bulgaria chứng kiến tỷ lệ tử vong cao kỷ lục, khiến hệ thống chăm sóc y tế rơi vào tình trạng quá tải.

Trong khi chính phủ nhiều quốc gia châu Âu không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa, một số nước như Latvia buộc phải khôi phục các biện pháp hạn chế bởi không có nhiều sự lựa chọn khác.

Tại Đức, nước này có tỷ lệ tiêm đủ liều vắc-xin đạt 67% dân số. Tuy nhiên, Đức đang đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ 4 và cũng là làn sóng tồi tệ chưa từng có. Số người mắc mới COVID-19 đạt mức kỷ lục là 37.640 hôm 4/11. Tại một số khu vực điểm nóng, các bệnh viện bắt đầu quá tải.

Chính phủ Đức phải kêu gọi người trưởng thành mọi lứa tuổi khẩn trương tiêm mũi vắc-xin bổ sung nếu đã qua 6 tháng kể từ khi họ tiêm mũi thứ 2.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết tiêm vắc-xin có thể sớm trở thành quy định bắt buộc chứ không còn là sự lựa chọn của người dân.

Tại Anh, dịch bệnh đạt mốc cao mới vào tháng 10, theo một nghiên cứu trên quy mô lớn của Trường Imperial College London.

Tháng trước, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa cúm lớn nhất trong lịch sử, nhằm tránh rủi ro số ca COVID-19 và cúm cùng gia tăng trong cùng một khoảng thời gian.

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Anh hiện đã khởi động việc tiêm liều vắc-xin bổ sung cho người dân mà không cần đặt lịch hẹn trước. Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc điều trị COVID-19 dạng viên uống của hãng dược phẩm Merck.

Tại Đan Mạch, quốc gia châu Âu này đạt 75% người dân đã tiêm đủ liều 2 vắc-xin, ghi nhận số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tăng gấp đôi chỉ trong khoảng 2 tuần qua. Số ca bệnh nặng phải nhập viện cũng tăng nhanh.

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Soren Brostrom hôm 4/11 đã kêu gọi chính phủ tái áp đặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch, bao gồm việc sử dụng hộ chiếu vắc-xin tại các sự kiện công cộng.

Tại Pháp, dịch bệnh một lần nữa quay trở lại. Giới chức các địa phương trên cả nước phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các trường học.

Hôm 5/11, Quốc hội Pháp thông qua đạo luật kéo dài thời gian hiệu lực của hệ thống hộ chiếu vắc-xin tới tháng 7/2022.

Tại Ireland, quốc gia này đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 mỗi ngày cao nhất kể từ tháng 1. Trước tình hình đó, chính phủ Ireland đã hủy bỏ kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch.

Hôm 5/11, Phó thủ tướng Leo Varadkar cho biết không loại trừ khả năng sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới được ban hành nếu hệ thống y tế tiếp tục chịu thêm sức ép do COVID-19 gây ra.

Tại Hungary, quốc gia châu Âu này ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quốc gia 9 triệu dân ghi nhận trung bình 4.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong tuần qua.

Thủ tướng Viktor Orban đang tìm cách siết chặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch, như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Các doanh nghiệp được phép yêu cầu người lao động chứng minh đã tiêm vắc-xin, hoặc có thể cho họ nghỉ việc không lương nếu từ chối.

Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia hôm 5/11, Thủ tướng Orban nói các biện pháp hạn chế khác có thể được ban bố trong thời gian tới.

Tại Czech, quốc gia này vừa trải qua tuần dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Các bệnh viện ghi nhận số ca nhập viện do COVID-19 cao nhất trong vòng 6 tháng, trong khi số trường hợp tử vong cũng đang tăng lên.

Nhằm gây sức ép lên những người chưa tiêm vắc-xin, nhà chức trách siết chặt kiểm soát tại các nhà hàng, bảo tàng, rạp phim, phòng tập thể thao. Tuy vậy, chính phủ Czech không sẵn sàng áp đặt những biện pháp giãn cách xã hội khắc nghiệt hơn hoặc đóng cửa một phần nền kinh tế.

Tại Romania, nước này ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Việc các bệnh viện hết chỗ khiến cho nhiều bệnh nhân COVID-19 phải nằm lại trên xe cứu thương hoặc được điều trị tại các hành lang. Một số bệnh nhân phải thở dưỡng khí ngay trong ô tô cá nhân của mình.