Phó Đô đốc Michael McAllister, chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát biển của Mỹ tại Thái Bình Dương, gần đây đã nói rằng quy định trong luật hàng hải mới của Trung Quốc về việc tàu nước ngoài phải báo cáo với giới chức Bắc Kinh là “rất đáng quan ngại” và vi phạm “các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế”.

scs resize 1200x800 1
Các tàu Hải quân của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines thực hiện diễn tập đội hình và liên lạc tại Biển Đông vào tháng 5/2019. (Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force/U.S. Navy)

Theo The Epoch Times, phát biểu trong buổi họp báo hôm 3/9, Phó Đô đốc Michael McAllister nói thêm rằng thực sự nếu Trung Quốc lựa chọn thực thi yêu cầu nêu trên, thì động thái đó sẽ “bắt đầu khơi mào cho sự mất ổn định và các cuộc xung đột tiềm tàng”.

Các tàu nước ngoài di chuyển vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải của họ” sẽ phải khai báo thông tin chi tiết gồm tên tàu, tín hiệu liên lạc, cảng neo đậu gần nhất và cảng đến sắp tới, cũng như vị trí hiện tại của tàu cho Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, theo bản thông báo của cơ quan này phát hành hôm 27/8. Những yêu cầu này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Yêu cầu nêu trên sẽ áp dụng với 4 loại tàu nước ngoài, gồm: tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở nguyên liệu phóng xạ, và tàu chở dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hoặc gây hại khác. Những tàu nước ngoài khác mà “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải tuân thủ yêu cầu khai báo tương tự.

Những yêu cầu nêu trên là một phần trong Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới sửa đổi của Trung Quốc. Luật sửa đổi này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc thông qua vào tháng Tư và có hiệu lực từ 1/9.

Theo luật hàng hải mới, Bắc Kinh cũng có thể ép các tàu nước ngoài được họ cho là “đe dọa tới an oàn của các vùng biển Trung Quốc” phải rời đi.

Phản ứng với yêu cầu hàng hải mới của Trung Quốc, Phó Đô đốc McAllister nói rằng Cảnh sát biển Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong khu vực.

Chúng tôi ở trong khu vực này thực sự là một phần để ủng hộ các đối tác quan trọng vốn đang ngày càng gia tăng quan ngại về các hành động gây hấn và bắt nạt thường xuyên của Trung Quốc, và những quan ngại của đối tác của chúng tôi về việc họ thiếu khả năng và năng lực để đáp trả đầy đủ những hành động đó [của Trung Quốc]”, ông McAllister nói.

Trước đó, hôm 1/9, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lên tiếng bác bỏ Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc. Lầu Năm Góc gọi động thái này của Bắc Kinh là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với quyền tự do hàng hải.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple hôm 1/9 (giờ Mỹ) khẳng định “bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển nào đều không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Ông cho biết thêm rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp [của Trung Quốc], bao gồm cả khu vực Biển Đông, đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển như quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp khác.

Cùng ngày 1/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nói trong buổi họp báo thường nhật tại Washington D.C rằng Mỹ tuân thủ quy định của “bộ quy tắc phổ quát về hàng hải cho tất cả các nước, gồm cả các nước lớn và các nước nhỏ”. Ông cũng bảy tỏ quan điểm tiếp tục phản đối “các tuyên bố hàng hải vô luật và quá mức của Trung Quốc”.

Trước Mỹ, Úc là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối Trung Quốc thực thi luật hàng hải mới. Ngày 2/9, theo tờ “Tạp chí Tài chính Úc” (Australia Financial Review), Bộ Quốc phòng Úc nhấn mạnh, bất kỳ quy định hàng hải tương tự nào cũng đều phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các tàu của Lực lượng Quốc phòng Úc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng quyền tự do hàng hải mà luật quốc tế trao cho.

Tại Nhật Bản, hôm 1/9, tờ The Sankei News đã cho đăng bài viết đưa ra cảnh báo rằng Nhật Bản phải hết sức cảnh giác trước động thái mới của Trung Quốc. Tờ báo này nhận định rằng một khi Trung Quốc gia tăng nỗ lực bành trướng lãnh thổ, họ hoàn toàn có thể theo đuổi đường lối đối đầu với Nhật Bản liên quan đến Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đặt tên là đảo Điếu Ngư.

Về phía Việt Nam, hôm 1/9, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Hà Nội trước việc Bắc Kinh chính thức thi hành luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định các quốc gia “cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên.

Bà Hằng nêu rõ: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.

Bà cũng khẳng định Việt Nam “kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.

Các quốc gia khác tại Đông Nam Á và Đài Loan chưa chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc thực thi luật hàng hải mới.

Tờ The Epoch Times, trích dẫn phân tích của giáo sư A.F. Pedrozo của Trung tâm Luật Quốc tế Stockton, thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định: “Trung Quốc lại một lần nữa đưa ra bài kiểm tra và từ đó đánh giá phản ứng của cộng đồng quốc tế về việc [Bắc Kinh] sẽ tiếp tục ban hành một hàng hải khác vượt ngoài các giới hạn tài phán được phép của luật pháp quốc tế đã được ghi nhận trong UNCLOS”.

Ông Pedrozo dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sử dụng luật hàng hải mới để “tiến hành các hoạt động vùng xám nằm dưới ngưỡng có thể dẫn tới xung đột vũ trang nhằm mục đích bắt nạt các quốc gia láng giềng và tiếp tục xóa bỏ luật pháp quốc tế về biển tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ gần đây đã đăng bài viết trên Facebook nói rằng: “Cách làm mới này của Đang Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cơ bản là một hành động ngu xuẩn ‘hại người khác và gây bất lợi cho chính mình’.

Ông Vương Định Vũ nói: “Nếu là lãnh hải Trung Quốc phù hợp với quy phạm quốc tế và được công nhận thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu đó là lãnh hải do chính Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận định và không phù hợp với quy phạm quốc tế, chẳng hạn như Biển Đông, vạch một đường rồi nói là địa bàn của mình, còn đưa ra quy định, thì đúng là hành vi ngang ngược!

Như Ngọc (T/h)

Xem thêm: