Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới kết thúc chuyến công du 3 ngày tại Trung Á. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ông Tập đã hội đàm song phương với lãnh đạo 10 nước nhưng không có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi như dự kiến.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp các nguyên thủ quốc gia hôm 16/9 tại Uzbekistan (Ảnh: Kremlin.ru)

Thông tin từ phía Trung Quốc cho biết, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand (Uzbekistan) vào chiều 16/9, ông Tập Cận Bình đã từ địa điểm tổ chức ra thẳng sân bay để đáp chuyên cơ trở về Bắc Kinh trong đêm.

Thông cáo báo chí do cơ quan ngôn luận ĐCSTQ Tân Hoa xã đưa ra vào ngày 17/9 cho thấy, tại SCO ông Tập đã có hội đàm song phương lần lượt với lãnh đạo 10 nước gồm Nga, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan, Iran, Belarus, Pakistan, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.

Ông Tập cũng được kỳ vọng sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thảo luận về các vấn đề như tranh chấp biên giới Trung-Ấn, nhưng trong thông cáo không thấy đề cập Ấn Độ.

Ngoài ra, ngày 15/9 cả ông Modi và ông Tập Cận Bình đều không tham dự các hoạt động chung trước khi khai màn hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cả bữa tối và chụp ảnh chung. Truyền thông Ấn Độ cho biết ông Modi là một trong những nhà lãnh đạo cuối cùng đến Samarkand và đã loại trừ việc ông tham gia các sự kiện trước khai màn hội nghị thượng đỉnh.

Nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Hoa là ông Trần Phá Không (Chen Pokong) có nhận định, ông Modi cố tình tránh ông Tập Cận Bình. Ông Trần cho biết trong kênh truyền thông cá nhân trên YouTube hôm 18/9 rằng kể từ sau xảy ra đụng độ binh lính biên giới Trung-Ấn, nhà lãnh đạo hai nước đã ngừng thăm hỏi nhau cho dù cả dưới hình thức trực tuyến, ông Modi cũng từ chối gặp ông Tập Cận Bình tại các dịp giao lưu quốc tế.

“Giờ đây, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng đã thành lập một liên minh 4 bên để đối phó với ĐCSTQ. Cho nên trong bối cảnh này, rõ ràng ông Modi không muốn thể hiện gần gũi với ông Tập Cận Bình”, ông Trần Phá Không nói.

Trước hội nghị thượng đỉnh SCO, vào ngày 8 và 9/9, Trung Quốc và Ấn Độ đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố cho biết quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới Gogra-Hotsprings phía tây Himalayas đã bắt đầu kế hoạch phối hợp tránh tiếp xúc, “động thái nhằm thúc đẩy tốt hơn cho hòa bình vùng biên giới hai nước”.

Vào tháng Bảy năm nay, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy lần thứ 16 để thảo luận giải quyết vấn đề các điểm liên quan đến đụng độ dọc theo đường biên giới. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã đồn trú hàng chục ngàn quân ở khu vực biên giới và triển khai một số lượng lớn vũ khí và thiết bị, bao gồm cả máy bay và đại bác.

Trước đó hồi tháng 6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ ở Thung lũng Galwan vùng Ladakh (Ấn Độ). Đây là vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa hai bên trong 45 năm qua, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi chưa rõ con số thương vong phía Trung Quốc.

Modi cảnh báo ông Putin: Đã qua thời đại của chiến tranh [quân sự]

Tại hội nghị thượng đỉnh SCO, ông Modi đã nói thẳng với ông Putin trong cuộc gặp song phương vào ngày 16/9 rằng “đã qua thời đại của chiến tranh [quân sự]”, qua đó trực tiếp phản đối hành động xâm lược kéo dài gần 7 tháng của Nga đối với Ukraine.

Ông Modi nói với ông Putin: “Tôi thấy rằng đã qua cái thời đại của chiến tranh [quân sự], tôi cũng đã nói chuyện với ông về điều này qua điện thoại”, lời của Modi đã khiến ông Putin kinh ngạc, mím môi và nhìn ông Modi chằm chằm, sau đó cúi đầu giơ tay đưa ra sau gáy.

Ông Putin nói rằng ông hiểu mối quan tâm của ông Modi với Ukraine, nhưng lên án Ukraine từ chối đàm phán.

Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên của ông Modi và ông Putin trong năm nay, dù trước đó họ đã nói chuyện qua điện thoại.

“Điều này cho thấy ông Modi không tán đồng hành động xâm lược Ukraine của ông Putin”, ông Trần Phá Không nói.

Ông Putin cũng như tuyên truyền Nga rêu rao rằng bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh và châu Âu, có 2 nước đông dân nhất thế giới dường như đang ủng hộ cuộc chiến của họ, hàm ý đó là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Trần Phá Không cho rằng, “Thực tế, ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã ủng hộ ông ta, nhưng Ấn Độ thì không, chẳng qua họ chỉ giữ im lặng”, “Vì truyền thống Ấn Độ có quan hệ mật thiết với Nga, đồng thời vì ứng phó ĐCSTQ nên Ấn Độ không muốn làm mất lòng Nga, cho nên họ tạm giữ im lặng cũng như không tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ngoài ra Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Nga sau Trung Quốc, vì vậy ông Putin nghĩ rằng Ấn Độ là hậu thuẫn của ông ta. Nhưng dù sao thì Ấn Độ cũng là một nước dân chủ lớn, vì vậy Thủ tướng Modi đã nói thẳng với ông Putin rằng đã qua thời đại chiến tranh [quân sự], điều đó đồng nghĩa tuyên bố việc ông Putin phát động chiến tranh là sai trái”.

Không cho thấy “dấu hiệu đồng minh” giữa Trung Quốc và Nga

Ông Tập Cận Bình đến Trung Á ngày 14/9 để thăm Kazakhstan và tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO tổ chức tại thủ đô Samarkand của Uzbekistan vào ngày 15 – 16/9. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo ĐCSTQ này trong gần 3 năm kể từ khi bùng phát COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Đáng chú ý nhất của Hội nghị thượng đỉnh SCO là cuộc gặp song phương giữa nguyên thủ Trung Quốc và Nga vào ngày 15/9, do hai nước hiện đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao quốc tế.

Về vấn đề này, nhà bình luận về chính trị người Mỹ gốc Hoa là ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) nhận định, Hội nghị thượng đỉnh SCO ban đầu là nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm thành lập liên minh chống lại các xã hội tự do, nhưng từ tình hình cho thấy đã hoàn toàn không đạt được kỳ vọng mà trái lại Trung Quốc và Nga đang có thêm nhiều rạn nứt. “Vào thời điểm mà Trung Quốc và Nga đang cần gắn bó với nhau nhất nhưng tình hình cho thấy hai bên vẫn giữ khoảng cách”, ông nói.

Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Putin tuyên bố rằng Nga “đánh giá cao lập trường cân bằng của người bạn Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine”, hiểu “quan tâm của Trung Quốc về vấn đề này”, đồng thời làm rõ lập trường của Nga.

Nhà bình luận Chương Thiên Lượng cho biết trên kênh YouTube cá nhân vào ngày 17/9 rằng ĐCSTQ nghi ngờ và lo lắng về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine do ông Putin phát động. Đây là nguyên nhân họ tránh nhắc đến Ukraine trong đối thoại với ông Putin.

Ông Chương Thiên Lượng nhắc lại chuyện nhân vật thứ 3 trong ĐCSTQ là ông Lật Chiến Thư mới đây (ngày 7 – 10/9) đến thăm Nga đã tuyên bố ĐCSTQ sẽ “hợp tác” với phía Nga (khi đó Nga đã mất hàng ngàn km2 lãnh thổ và một số thị trấn quan trọng mà trước đó họ chiếm đóng). Ông Chương cho rằng “Điều này không có nghĩa là lúc đó ông Lật Chiến Thư thể hiện ý chí kiên quyết ủng hộ Nga”, “Trái lại điều đó phản ánh việc ông ta nói theo bài vở”.

Ông nói rằng trong chuyến công du nước ngoài lần này của ông Tập Cận Bình, cái gọi là nghi ngờ và lo lắng của ông Tập thực chất là lo Nga có thể thua trong cuộc chiến. Nếu xảy ra điều đó thì có thể khiến ông Putin không còn kiểm soát được tình hình chính trị trong nước. Thậm chí, Nga có thể ngả về phương Tây sau khi ông Putin mất quyền lực, gây hệ quả Nga có thể theo phương Tây chống lại ĐCSTQ. Trong trường hợp đó, ĐCSTQ hầu như không còn nước lớn nào là đồng minh để đấu với phương Tây.

Nhà bình luận này cũng cho rằng hầu hết các nước thành viên SCO không ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin: “Lý do rất đơn giản, nếu ông Putin có thể xâm lược và thôn tính Ukraine thì ông ta cũng có thể làm thế với các nước Trung Á này (?) Vì vậy, ông Putin không thể tranh thủ được sự ủng hộ của SCO đối với cuộc chiến xâm lược Ukraine, đây là thất bại của ông ta tại cuộc họp này”.