Trước ngày tòa trọng tài quốc tế tại The Hague ra phán quyết về Biển Đông, các quan chức Mỹ như đã áp dụng chiến lược thành lập một liên minh để áp đặt một cái giá khủng khiếp về uy tín mà Bắc Kinh phải trả nếu phớt lờ quyết định của Tòa án.

Nhưng chỉ hai tuần sau hôm 12/7 – ngày phán quyết được tòa ban hành – điều mà ít nhất xuất hiện trên giấy tờ là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc, chiến lược đe dọa của Hoa Kỳ đã tỏ ra thất bại, và phán quyết của tòa có nguy cơ trở nên vô tích sự.

Ngay từ đầu năm nay, các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Nhà Trắng đã nhắc đi nhắc lại sự cần thiết đối với các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương và cả Liên minh Châu Âu, trong việc ra các tuyên bố gây sức ép về tính chất ràng buộc của phán quyết của tòa The Hague trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc.

Chẳng hạn hồi tháng 2, ông Amy Searight, lúc ấy là phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á, phát biểu: “Chúng ta cần sẵn sàng lên tiếng cùng nhau, mạnh mẽ và dõng dạc, rằng đó là luật quốc tế, là điều vô cùng quan trọng, mang tính ràng buộc đối với mọi bên”.

Tiếp đó đến tháng 4, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Anthony Blinken xác định Trung Quốc sẽ bị tổn thất “khủng khiếp” về uy tín, nếu phớt lờ phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế.

Các luật sư của Philippines, đồng minh của Mỹ, thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh có nguy cơ lâm vào tình thế “đứng ngoài vòng luật pháp” quốc tế.

Thế nhưng, sau khi Tòa Trọng Tài Thường ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, mặt trận chống Trung Quốc mà Hoa Kỳ kêu gọi hầu như không thấy đâu, chỉ có sáu nước là nhấn mạnh trên tính ràng buộc của phán quyết. Philippines nằm trong số nước này, nhưng không thấy các nước khác cũng có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Vào đầu tuần này, Trung Quốc lại  ghi được một thắng lợi ngoại giao quan trọng tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở thủ đô Lào, khi trước thái độ kiên quyết phản đối của Campuchia, hiện đã tỏ rõ là đồng minh của Trung Quốc, ASEAN đã lặng thinh về phán quyết PCA trong tất các tuyên bố chung.

Ngoài khu vực, EU hôm 15/7 cũng ra thông cáo ghi nhận phán quyết PCA, nhưng tránh nêu đích danh Trung Quốc, và không nói gì đến tính chất ràng buộc về pháp lý của văn kiện này.

Nguy cơ phán quyết biển Đông bị chìm xuồng

Trước thất bại của một liên minh ngoại giao chống Trung Quốc, Mỹ dường như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Hôm thứ Tư 27/7, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng ông hài lòng với việc ASEAN đã ra tuyên bố tôn trọng các quy tắc thượng tôn pháp luật và việc ASEAN không nhắc đến phán quyết trọng tài không hề làm giảm đi tầm quan trọng của văn kiện này.

Phán quyết này, theo ông  “không thể nào” vô ích vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, câu nói này có thể không gì hơn là một lời vớt vát.

Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà phân tích cho rằng văn kiện biển Đông đang đứng trước nguy cơ trở nên vô ích, vì Washington đã thất bại trong việc thúc ép các đồng minh của mình lên tiếng.

Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cho rằng: “Tất cả chúng ta đều nên lo ngại vì trường hợp này có thể chìm xuống rồi kết thúc không khác gì một vài dòng chú thích bởi vì tác động của nó chỉ mạnh mẽ nếu cộng đồng quốc tế làm cho nó trở nên mạnh mẽ”.

“Và họ đã lựa chọn bằng cách không làm gì cả. Sự đồng thuận quốc tế có vẻ như là: Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không muốn thúc ép Trung Quốc phải tuân theo các giá trị kia”.

Theo Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Heritage Foundation cho biết, chính Washington cũng lộ vẻ miễn cưỡng, không muốn đối đầu với Bắc Kinh – một đối thủ chiến lược của Mỹ nhưng cũng là một đối tác kinh tế quan trọng – trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới.

Nhưng cho tới nay, Trung Quốc phản ứng trước phán quyết của Tòa chỉ bằng một giọng điệu phản đối gay gắt, tuy nhiên giới phân tích e ngại Bắc Kinh có thể đẩy mạnh các động thái của họ trước thềm hội nghị G20 mà họ chủ trì vào tháng 9 tới này.

Trọng Đức