Những nỗ lực của Twitter nhằm ngăn cản tỷ phú Elon Musk (người giàu nhất thế giới hiện nay với giá trị tài sản ròng khoảng hơn 260 tỷ USD) thâu tóm công ty bằng cách áp dụng chiến lược phòng thủ “thuốc độc” có thể không phải là biện pháp đủ sức nặng, theo tờ Daily Wire. Trước đó, vị CEO này tuyên bố rằng việc ông đề nghị mua lại Twitter là vì lợi ích cộng đồng, nhằm đảm bảo mang lại sự tin cậy cho nền tảng vận hành theo hướng tự do ngôn luận chứ hoàn toàn không phải để kiếm tiền.

chiến lược phòng thủ
Ông Elon Musk. (Ảnh: Par Naresh777/Shutterstock)

Cụ thể, chiến lược phòng thủ “thuốc độc” được xem là phát huy hiệu quả khi nó cho phép tất cả các cổ đông (ngoại trừ những người đang cố gắng mua đứt công ty) mua cổ phiếu mới chào bán với giá chiết khấu. Chiến lược trên sẽ được kích hoạt khi một bên mua ít nhất 15% cổ phần doanh nghiệp mà không có sự chấp thuận của ban lãnh đạo. Kế hoạch này có thời hạn trong 1 năm và sẽ hết hiệu lực vào ngày 14/04/2023. Ông Musk sẽ phải mua số cổ phiếu mới với giá cao hơn nếu muốn tiếp quản công ty và điều này có thể khiến ông không thể chi trả được.

Với chiến lược phòng thủ “thuốc độc”, bất cứ ai nắm quyền kiểm soát mạng xã hội này thông qua tích lũy cổ phiếu trên thị trường mở đều phải trả cho tất cả cổ đông một khoản phí kiểm soát thích hợp. Theo các chuyên gia, đây là công cụ mạnh để một doanh nghiệp chống lại nguy cơ bị thâu tóm.

Tuy nhiên, việc áp dụng chiến lược trên có thể sẽ không ngăn cản việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter. Hiện tại, có thể xảy ra 3 kịch bản và không có viễn cảnh nào mang lại lợi ích cho ban lãnh đạo của Twitter. Thứ nhất, ông Musk có thể giành chiến thắng khi thành công trong việc thu thập đủ sự ủy quyền của các cổ đông khác để giành được lá phiếu bầu chọn nhằm loại bỏ các giám đốc cũng như chiếc lược phòng thủ “thuốc độc”. Thứ hai, ông Elon Musk buộc công ty phải tìm một người mua thay thế có khả năng mua với mức giá cao hơn, qua đó đẩy giá trị cổ phiếu lên. Thứ ba, CEO Tesla và SpaceX rời khỏi công ty và ban lãnh đạo phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện khi các cổ đông đổ lỗi cho Twitter vì đã gây tổn hại đến giá trị cổ phiếu của mình.

Tờ New York Post đưa tin hôm 15/4 rằng ông Musk đang nói chuyện với các nhà đầu tư khác, những người có chung tầm nhìn với ông với mục đích nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính hơn để vị tỷ phú này có thể tiếp quản Twitter. Ông Mark Cuban, chủ sở hữu của Dallas Mavericks, đã gợi ý rằng CEO Tesla nên hợp tác với tỷ phú Peter Thiel để mua lại công ty.

Trước đó, ông Musk từng tiết lộ rằng Twitter sẽ không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và hãng này cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân.

CEO Tesla và SpaceX phản đối những gì ông coi là thiếu tự do ngôn luận trên Twitter. Ông Musk cho rằng nền tảng nên mở mã nguồn thuật toán để tăng tính minh bạch trong các quyết định về nội dung. Đây sẽ là thay đổi lớn với cách hoạt động của Twitter.

Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi việc kiểm duyệt nội dung của Twitter, ông Musk giải thích rằng bài kiểm tra một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản. “Nếu bạn cho phép người bạn không ưa nói điều bạn không thích, đó là tự do ngôn luận”, ông nói.

Khi được hỏi về kế hoạch dự phòng nếu nỗ lực mua Twitter không thành công, Musk cho biết ông có nhiều ý tưởng khác nhau. Nhưng CEO SpaceX từ chối giải thích và nói rằng những điều này sẽ cần chờ một thời điểm khác.

Hôm 10/4 vừa qua, CEO Twitter Parag Agrawal thông báo rằng tỷ phú Elon Musk, cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty, đã quyết định không tham gia vào ban lãnh đạo của công ty truyền thông xã hội này.

Ông Elon Musk từng được mời vào ban lãnh đạo Twitter. Vị CEO này hiện nắm giữ 9,2% cổ phần của Twitter (tương đương 73,5 triệu cổ phiếu) với tổng giá trị lên đến 2,9 tỷ USD theo giá giao dịch chốt phiên ngày 1/4.

Phan Anh (tổng hợp)