Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm đảo lộn hiện trạng ở Phần Lan và Thụy Điển vốn là hai nước có truyền thống không liên kết, mở ra sự ủng hộ “lịch sử” đối với NATO và việc xuất khẩu vũ khí bất chấp cảnh báo từ Moscow.

Stockholm và Helsinki đã loại trừ việc xin gia nhập liên minh quân sự NATO trong thời điểm hiện tại, nhưng hai nước chưa bao giờ tiến gần đến việc trở thành thành viên NATO như vậy, theo các nhà phân tích.

Zebulon Carlander, nhà phân tích quốc phòng của Tổ chức Quốc phòng và Xã hội ở Thụy Điển cho biết: “Bất cứ điều gì đều có thể xảy ra vào lúc này và tín hiệu từ các nước NATO là đơn đăng ký trở thành thành viên có thể được xử lý trong một khoảng thời gian rất ngắn.”

Ông nói với AFP: “Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một quyết định chính trị nằm ở thủ đô Stockholm và Helsinki.”

Tuy không phải thành viên NATO, hai nước Phần Lan và Thụy Điển là đối tác của NATO từ giữa những năm 1990 và chấm dứt lập trường trung lập vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, cho biết hôm thứ Ba rằng tư duy của người dân và chính trị gia đối với việc tham gia liên minh “đang thay đổi” sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Bà Marin cho biết các cuộc tranh luận về việc gia nhập NATO “đang diễn ra sôi nổi và chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên”, sau khi các nhà lãnh đạo đảng họp để xem xét một kiến ​​nghị công khai kêu gọi trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO.

Bản kiến ​​nghị đã thu hút được 50.000 chữ ký cần thiết để đưa vấn đề lên Quốc hội trong vòng chưa đầy một tuần, và sẽ được coi là một phần của cuộc tranh luận rộng rãi hơn về cuộc khủng hoảng Ukraine tại Phần Lan.

Lần đầu tiên, đa số (53%) người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, theo một cuộc thăm dò được công bố hôm thứ Hai bởi đài truyền hình công cộng Yle.

Con số này gần như gấp đôi con số cách đây một tháng, khi tờ báo Helsingin Sanomat đưa ra mức ủng hộ chỉ 28%.

“Đây là một kết quả hoàn toàn mang tính lịch sử và đặc biệt,” Charly Salonius-Pasternak thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan nói với AFP.

Sự ủng hộ gia nhập NATO cũng đạt mức cao lịch sử ở Thụy Điển với 41% người ủng hộ, theo một cuộc thăm dò của đài truyền hình công cộng SVT vào thứ Sáu tuần trước.

Trong một thay đổi căn bản khác, hai nước đã phá vỡ truyền thống bằng cách xuất khẩu vũ khí cho một quốc gia đang có xung đột.

Thụy Điển đã gửi 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine cùng với mũ bảo hiểm và áo giáp; trong khi Phần Lan gửi 2.500 súng trường tấn công, đạn dược và 1.500 vũ khí chống tăng sử dụng một lần.

Đối với Thụy Điển, đây là điều chưa từng có kể từ Chiến tranh Mùa đông năm 1939, khi nước này gửi hỗ trợ cho Phần Lan để chống lại một cuộc xâm lược của Liên Xô.

Ông Carlander nói: “Đây có lẽ chỉ là sự khởi đầu của những đánh giá lại trong chính sách an ninh quốc phòng của Thụy Điển.”

Cả hai quốc gia cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng các đơn xin gia nhập quân đội.

Các chuyên gia kỳ vọng hai nước sẽ hành động phối hợp về việc có gia nhập NATO hay không.

Nếu họ làm vậy, điều đó sẽ càng làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, vì việc mở rộng liên minh về phía đông là mối bất bình an ninh hàng đầu của Điện Kremlin.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng nếu các nước Bắc Âu gia nhập NATO thì sẽ có “những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị”.

Đông A (theo AFP)