China Telecom mới đây đã đệ đơn kiện lên tòa án Hoa Kỳ, với hy vọng lật ngược quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang về việc cấm công ty này hoạt động tại Hoa Kỳ.

China telecom
(Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 26/10 năm nay, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã ban hành lệnh trục xuất đối với một công ty con của China Telecom. Lý do đưa ra là công ty này có thể đã tham gia nghe lén hoặc phá hoại thông tin liên lạc tại Hoa Kỳ, cũng như “tham gia vào hoạt động gián điệp và các hoạt động có hại khác chống lại Hoa Kỳ”, đe dọa đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, mới đây China Telecom đã đệ đơn kiện lên tòa án Hoa Kỳ, với hy vọng lật ngược quyết định của FCC về việc cấm công ty này hoạt động tại Hoa Kỳ.

Theo các báo cáo từ nước ngoài, ban đầu, lệnh của FCC chống lại Công ty China Telecom (Châu Mỹ) dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 4/12. Nhưng vào thứ Hai (15/11) China Telecom đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ cho Đặc khu Columbia, tuyên bố rằng lệnh cấm của Chính phủ Hoa Kỳ “sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với hoạt động kinh doanh, danh tiếng và mối quan hệ của họ.”

Theo báo cáo, China Telecom cũng tuyên bố rằng FCC không có bằng chứng cho thấy công ty này đã gây ra bất kỳ rủi ro nào cho an ninh quốc gia hoặc việc thực thi pháp luật.

Trước đó, FCC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 4-0 để chấm dứt giấy phép cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế của China Telecom Americas tại Hoa Kỳ. Có 6 lý do dẫn đến kết quả này:

Thứ nhất, FCC nhận thấy China Telecom Americas “chịu sự sử dụng, ảnh hưởng và kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, và rất có thể bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc mà không có đầy đủ thủ tục pháp lý để giám sát tư pháp độc lập”.

Thứ hai, xét đến từ gần hai thập kỷ trước khi FCC ủy quyền cho China Telecom Americas cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ, [ngày nay] môi trường an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc đã thay đổi. FCC cho rằng quyền sở hữu của China Telecom Americas và sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc đã gây ra những rủi ro đáng kể về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Việc tiếp tục cung cấp cơ hội tiếp cận, lưu trữ, phá hủy và/hoặc lan truyền thông tin sai lệch cho China Telecom Americas, tổ chức công ty mẹ và Chính phủ Trung Quốc tại Mỹ, là cho phép họ tham gia vào các hoạt động gián điệp và có hại khác đối với nước Mỹ.

Thứ ba, các hành động của China Telecom Americas và các tuyên bố của họ với FCC và các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ cho thấy họ thiếu chân thực, uy tín và độ tin cậy, đã làm suy yếu độ tin cậy của FCC và các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ trong khai thác viễn thông của China Telecom Americas.

Thứ tư, FCC nhận thấy việc tiếp tục thỏa hiệp sẽ không giải quyết được những vấn đề thực thi pháp luật và an ninh quốc gia quan trọng này.

Thứ năm, FCC cho rằng China Telecom Americas đã cố tình vi phạm 2 trong 5 điều khoản của Cam kết đã ký với cơ quan hành chính Mỹ vào năm 2007, và việc tuân thủ Cam kết là điều kiện rõ ràng để được ủy quyền theo Điều 214 quốc tế.

Thứ sáu, FCC xác định các bằng chứng mật do các cơ quan hành chính khác nhau đệ trình hỗ trợ thêm cho quyết định thu hồi trao quyền vận hành quốc nội và quốc tế tại Mỹ của China Telecom America, việc tiếp tục biện pháp thỏa hiệp sẽ không giải quyết được vấn đề rủi ro thực thi pháp luật và an ninh quốc gia.

Lập luận của China Telecom tương tự như lập luận được Xiaomi sử dụng khi hãng này yêu cầu được loại khỏi danh sách “Công ty quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCMC)” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào đầu năm nay. Trong vụ kiện đó, Xiaomi tuyên bố cáo buộc này sẽ gây ra “tổn hại trực tiếp và không thể khắc phục được” đối với Xiaomi, gồm cả việc cắt đứt quyền tiếp cận của công ty này với thị trường vốn Hoa Kỳ. Tòa án Hoa Kỳ cuối cùng đã đưa ra phán quyết có lợi cho Xiaomi. Bộ Quốc phòng đã đồng ý hủy bỏ chỉ định và cho phép công ty này tiếp tục được hoạt động tại Hoa Kỳ.

Trong “Quy chế về công tác chính trị” được sửa đổi vào tháng 12/2003, ĐCSTQ đã chính thức liệt kê “3 cuộc chiến”, gồm cuộc chiến dư luận, cuộc chiến tâm lý và cuộc chiến pháp lý, là nội dung chính và cơ sở quy phạm cho “công tác chính trị” của mình.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: