Trong khi bị lưỡng đảng chỉ trích về phản ứng quá chậm chạp của mình, Chính quyền Biden đang phải tăng tốc nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Hiện tại, các cơ quan quản lý tài chính đang nắm quyền kiểm soát một ngân hàng mới phá sản ở New York, đồng thời phải đảm bảo với các chủ tài khoản tại Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở California rằng tiền của họ vẫn an toàn và sẽ được chuyển đến sớm.

Embed from Getty Images

(Ngân hàng SVB bị đóng cửa vào ngày 10-3/Ảnh: Getty Images)

Hôm 12/3, vài giờ trước khi thị trường châu Á mở cửa, các nhà quản lý tại Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã cố gắng xoa dịu những lo lắng trên toàn thế giới.

Các cơ quan này viết trong một tuyên bố chung: “Hôm nay chúng tôi đang thực hiện các hành động kiên quyết để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng của chúng tôi. Bước đi này sẽ đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.”

Tuyên bố được đưa ra khi các quan chức tiết lộ rằng Ngân hàng Signature đã sụp đổ và đang bị các cơ quan quản lý ở New York tịch thu. Với hơn 110 tỷ USD tài sản, vụ đóng cửa Ngân hàng Signature là một trong những thất bại lớn nhất của lịch sử ngân hàng Hoa Kỳ, xếp sau vụ sụp đổ Ngân hàng SVB trị giá 175 tỷ USD vào tuần trước.

Các cơ quan quản lý liên bang cho biết tất cả khách hàng của SVB sẽ được bảo vệ và sớm có quyền tiếp cận lại số tiền của họ. Việc khôi phục lại tài sản của khách hàng SVB sẽ không cần dùng đến tiền thuế của người dân.

Với hy vọng ngăn chặn việc các ngân hàng sụp đổ đột ngột trong tương lai, Cục Dự trữ Liên bang đã giới thiệu một chương trình cho vay khẩn cấp dành cho những ngân hàng đang gặp khó khăn khác để họ có thể “đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền”.

Tuy nhiên Chính quyền Biden vẫn phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt rằng họ đã phản ứng quá chậm chạp với các dấu hiệu cảnh báo trong thời gian gần đây.

Dân biểu Rho Khanna thuộc Đảng Dân chủ nhận định: “Ngay bây giờ mọi thứ dịch chuyển với tốc độ của Twitter, và chính phủ lại không di chuyển với tốc độ đó.”

Nhà báo cánh hữu Liz Peek đã viết trên Fox News rằng có “rất nhiều lỗi để bàn đến”.

“Khi một tổ chức tài chính phá sản, quý phải tự hỏi: Các cơ quan quản lý đã ở đâu? Rốt cuộc, đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo (red flag*) hơn cả [số lượng cờ đỏ] mà quý vị có thể thấy tại một hội nghị của ĐCSTQ”, trích lời bà Liz Peek.

[*]: Ở đây bà Liz Peek đang chơi chữ, ‘red flag’ vừa có nghĩa là dấu hiệu cảnh báo, vừa có nghĩa là lá cờ màu đỏ.

Vy An (Theo Just The News)