Tình trạng lạm phát ở Mỹ hiện nay được cho là nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua. Chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu của xử lý đối nội, đang xem xét hủy bỏ thuế quan hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã áp đặt trong chính quyền thời Trump.

Xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc

Kênh Kinh doanh CNBC đưa tin cho hay, nước Mỹ đang đối mặt với lạm phát tồi tệ nhất trong gần 40 qua. Tổng thống Biden thông báo rằng Nhà Trắng đang xem xét lại chính sách của chính quyền thời ông Trump về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và hiện đang thảo luận về việc dỡ bỏ các mức thuế này. Nhà Trắng lập luận rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã đẩy giá lên các mặt hàng như quần áo, đồ nội thất và tã lót của Mỹ.

Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ coi việc cắt giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc do chính quyền Trump áp đặt là một trong số ít các lựa chọn đòn bẩy có sẵn mà Nhà Trắng có thể gấp rút sử dụng để giảm lạm phát. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh luận về mức độ hiệu quả của biện pháp này.

Ông Biden tiếp tục nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) toàn cầu và chiến tranh Nga-Ukraine là thủ phạm chính gây ra tỷ lệ lạm phát cao ở Mỹ. Ông nói: “Tôi muốn mọi người Mỹ hiểu rằng tôi rất chú trọng vấn đề lạm phát. Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là đại dịch thế kỷ COVID-19 mới xảy ra, không chỉ tàn phá nền kinh tế toàn cầu mà còn khiến các chuỗi cung ứng hoàn toàn mất kiểm soát. Nguyên nhân thứ hai xuất hiện trong năm nay là do chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, không chỉ khiến giá dầu thế giới tăng vọt mà còn đẩy giá các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô lên cao”.

Kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ hiện nay cho thấy lạm phát đang là vấn đề chính mà người Mỹ phải đối mặt, đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19.

Nhưng Đảng Cộng hòa Mỹ thì tin rằng tỷ lệ lạm phát cao phần lớn là do các chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ, bao gồm hàng ngàn tỷ đô la cứu trợ giữa đại dịch COVID-19 và dự luật cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Biden đã ký năm ngoái.

Vào ngày 11/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Đã đến lúc Chính phủ Mỹ nên xem xét lại và hủy bỏ các mức thuế bổ sung này càng sớm càng tốt”.

Fed nêu những rủi ro lớn đối với kinh tế Mỹ

Ngày 9/5, trang web của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố “Báo cáo Ổn định tài chính” (Financial Stability Report) với nội dung tổng kết đánh giá của Hội đồng Dự trữ Liên bang về khả năng hệ thống tài chính Mỹ, nhằm mục đích cho công chúng Mỹ biết về các rủi ro tài chính của Mỹ và cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Fed. 

Phó Chủ tịch Lael Brainard của Fed cho biết trong một tuyên bố: “Báo cáo Ổn định tài chính” mới nhất nhấn mạnh vai trò của Fed trong việc giám sát chặt chẽ các rủi ro tài chính và đảm bảo hệ thống tài chính duy trì khả năng phục hồi. Báo cáo đã đánh giá những thay đổi chính sách và rủi ro trong các hệ thống tài chính quan trọng diễn ra 6 tháng qua, bao gồm việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất cũng như tình trạng lạm phát cao có khả năng kéo dài, cộng thêm biến động gần đây trên thị trường hàng hóa toàn cầu do cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra, theo đó gây  rủi ro tiềm tàng đối với các tổ chức tài chính quan trọng”.

Báo cáo cho rằng tỷ lệ lạm phát của Mỹ không chỉ cao hơn dự kiến ​​mà còn kéo dài từ trước khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ; tính không thể đoán trước và sự không chắc chắn của lạm phát cao gây rủi ro cho hoạt động kinh tế và tài chính của Mỹ.

Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, trong khoảng thời gian 6 tháng qua, S&P 500 đã giảm 16,5% và Nasdaq Composite còn tệ hơn khi giảm hơn 25%. So với kể từ đầu năm nay, đến giờ lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gần gấp đôi.