Theo The Washington Post đưa tin hôm thứ Ba (9/3), mới đây chính quyền Tổng thống Biden đã xem xét lại giải trình dữ liệu (fact sheet) về dịch bệnh COVID-19 được Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền ông Trump ban hành hồi giữa tháng Một, qua đó xác nhận tính chính xác của nhiều điểm dữ liệu (data points) được đưa ra.

Ngày 23/2, ông Bruce Aylward (trái) dẫn đầu đoàn đoàn chuyên gia WHO vào khảo sát Bệnh viện Đồng Tề ở Vũ Hán (Ảnh: CNA)

Đồng thuận của nhóm ông Biden

The Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng: “Không có nhiều nghi vấn hệ trọng nào liên quan đến thông tin được trình bày trong bản giải trình dữ liệu. Không ai nghi ngờ về những thông tin này, những điểm dữ liệu này là đúng sự thật, thực tế là chính xác.”

Bài viết còn dẫn ý kiến của cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Matthew Pottinger, trong một bài phát biểu tại Đại học Quốc tế Florida vào tháng trước cho biết, bản giải trình ngày 15/1 là do Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và cộng đồng tình báo Mỹ xem xét và phê duyệt việc phát hành.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tweet chuyển tải lại: “Ngay cả chính quyền Biden cũng thừa nhận tường trình của tôi về phòng thí nghiệm Vũ Hán là dựa trên bằng chứng thực tế. Không ai nghi ngờ về độ chính xác.”

Hôm thứ Tư (10/3), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao chính quyền Biden đã nói với Washington Examiner: “Bản tường trình tình hình do chính quyền tiền nhiệm công bố vào ngày 15/1 chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguồn gốc virus.” Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác, và sử dụng thông tin do các nhà khoa học và cơ quan tình báo của chính chúng tôi thu thập và phân tích để đánh giá về tường trình này.”

 

Giải trình dịch bệnh của Bộ Ngoại giao thời ông Trump

Hồi giữa tháng Một, Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Trump đã ban hành giải trình dữ liệu (fact sheet) về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), trong đó chỉ ra “có lý do để tin” vài tháng trước khi bùng nổ dịch bệnh COVID-19 đã có những nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Virus Vũ Hán biểu hiện các triệu chứng mà qua đó, đã phát hiện ra loại virus liên quan đến viêm phổi Vũ Hán.

Giải trình dữ liệu nhận định: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngăn chặn một cách có hệ thống các cuộc điều tra minh bạch và triệt để về nguồn gốc của dịch COVID-19; các nhà nghiên cứu từ Viện Virus Vũ Hán đã nhiều năm tiến hành các thí nghiệm về RaTG13 – một loại virus corona được tìm thấy trong phân dơi, là mẫu tương đồng nhất với SARS-CoV-2 (tương đồng đến 96,2%); Viện Virus Vũ Hán cũng đã tiến hành nghiên cứu về “khả năng sinh lợi” (gain-of-function) của virus và tiến hành các thí nghiệm bí mật với quân đội ĐCSTQ.

Giải trình tình hình cũng chỉ ra từ mùa thu năm 2019, các nhân viên của Viện Virus Vũ Hán đã có các triệu chứng tương tự như COVID-19; nghi ngờ tính xác thực trong tuyên bố của nhà nghiên cứu Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) thuộc Viện Virus Vũ Hán rằng không ai trong số các nhân viên và sinh viên của Viện bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc các virus liên quan đến SARS.

Vào tháng Một năm nay, khi ông Pompeo còn là Ngoại trưởng Mỹ đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng tất cả các bằng chứng hiện tại đều cho thấy sự bùng phát của virus Trung Cộng (virus corona mới) bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng ông không chắc liệu có phải virus bắt nguồn từ rò rỉ vô ý của phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không.

Ông Pompeo tuyên bố vấn đề đó chưa thể có câu trả lời, “vì hơn một năm qua, ĐCSTQ luôn từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho bên ngoài để điều tra sự thật.”

Ông Pompeo đề cập nghi vấn rằng virus có thể đến từ phòng thí nghiệm của Viện Virus Vũ Hán. Ông nói: “Không phải là không thể, thế giới phải tiếp tục yêu cầu sự thật về những gì đã xảy ra ở đó để đảm bảo rằng những điều như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

“Hãy nhớ rằng, Trung Quốc (ĐCSTQ) có lịch sử lây nhiễm cho thế giới, và họ có lịch sử vận ​​hành các phòng thí nghiệm không đạt tiêu chuẩn. Đây không phải là lần đầu tiên thế giới tiếp xúc với virus do những sai lầm của phòng thí nghiệm Trung Quốc,” ông nói.

Đến nay COVID-19 đã gây ra khoảng 2,62 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Mộc Ân, Epoch Times

Xem thêm: