Nhà Trắng phát tín hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc nhằm đáp trả bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới kêu gọi các nước gạt bỏ “định kiến ý thức hệ” và “vứt bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời” trong nỗ lực chống lại các thách thức toàn cầu.

Embed from Getty Images

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 25/1: “Bài phát biểu không làm thay đổi bất kỳ điều gì. Cách tiếp cận của chúng tôi đối với Trung Quốc vẫn như những tháng qua, nếu không nói là lâu hơn.

Bà cho biết chính quyền mới tìm cách đối phó các mối đe dọa của Trung Quốc bằng các phương pháp của riêng mình, nói thêm rằng điều này nhằm mục đích “thực hiện việc phòng thủ tốt hơn”, bao gồm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động không công bằng, bảo vệ dữ liệu của Hoa Kỳ và duy trì lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ.

Bà nói: “Những gì chúng ta nhìn thấy trong vài năm qua là Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán hơn ở trong nước và gây hấn hơn ở nước ngoài, và Bắc Kinh hiện đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta theo những cách rất đáng kể, buộc Hoa Kỳ phải có cách tiếp cận mới.

Tại một sự kiện trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày 25/1, trong bài phát biểu đầu tiên của mình kể từ khi TT Joe Biden nhậm chức, ông Tập phát tín hiệu rằng Bắc Kinh không có ý định thay đổi đường lối trong tương lai gần, bất chấp áp lực từ bên ngoài.

Mặc dù ông Tập phát biểu một cách tổng quát không đề cập đến tên tuổi cụ thể, nhưng bài phát biểu của ông dường như đề cập đến các chính sách cứng rắn của chính quyền Trump trước đây đối với Trung Quốc, bao gồm chiến tranh thương mại, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ, và việc các quan chức kêu gọi Hoa Kỳ giảm sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Tập nói: “Đối đầu sẽ khiến chúng ta đi vào ngõ cụt”, và nhấn mạnh rằng họ “không được quay lại con đường của quá khứ”. Ông kêu gọi sự tham dự đa phương, nói rằng các quốc gia phải “tránh can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác” và nên ưu tiên cho các vấn đề như khắc phục đại dịch và biến đổi khí hậu.

Việc hình thành các nhóm nhỏ hoặc bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, để gạt bỏ, đe dọa, hoặc dọa nạt các quốc gia khác; để cố tình áp đặt việc chia tách, gián đoạn nguồn cung cấp hoặc trừng phạt; và để tạo ra sự cô lập hoặc ly gián sẽ chỉ đẩy thế giới vào sự chia rẽ và thậm chí là đối đầu”, ông Tập nhấn mạnh.

Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục gán cho Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây là có tâm lý “chiến tranh lạnh” khi các nước này thực hiện các chính sách bất lợi cho chế độ cộng sản Trung Quốc.

Ông Tập đã không cố gắng giải quyết những chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế về việc vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng của chế độ cộng sản Trung Quốc và sự thiếu minh bạch của nước này trong việc xử lý đại dịch COVID-19.

Theo nhà phân tích về Trung Quốc Tang Jingyuan, bài phát biểu “ra vẻ bề trên” của ông Tập đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với thời Trump, khi đó chế độ cộng sản này thường sử dụng giọng điệu hòa giải hơn. Ông Tang cho rằng điều này cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc xem chính quyền Biden là một “đối thủ cạnh tranh yếu hơn.

Ông Tang cho biết thông qua lời kêu gọi về chủ nghĩa đa phương và “bảo vệ luật pháp quốc tế”, ông Tập đang tìm cách thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong trật tự quốc tế.

Ông Tang lưu ý rằng Bắc Kinh vào ngày 20/1 đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 28 quan chức của chính quyền Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ vài phút sau lễ nhậm chức của ông Biden. Chế độ cộng sản này cũng tiếp tục thực hiện các hành động gây hấn quân sự đối với đảo quốc tự trị Đài Loan, bằng cách điều hàng chục máy bay quân sự xâm phạm khu vực phòng thủ của hòn đảo này vào ngày 23 – 24/1. Đây là cuộc xâm phạm quân sự vi mô lớn nhất trong năm nay. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và nhiều lần đe dọa thực hiện vũ lực để thu hồi hòn đảo này về Đại lục.

Ông Tang cho biết mặc dù chính quyền mới của Mỹ đã chỉ trích các hành động thù địch của Trung Quốc, nhưng từ ngữ trong tuyên bố – ủng hộ cho “một giải pháp hòa bình đối với các vấn đề xuyên eo biển” – truyền tải một thông điệp mềm mỏng hơn.

Ông nói: “Truyền thông Đài Loan đã nói về điều gì trong thời Trump? Đó là khi nào Hoa Kỳ sẽ thiết lập quan hệ với Đài Loan. Còn hiện nay họ đang thảo luận điều gì? Về việc liệu Hoa Kỳ sẽ cung cấp sự bảo vệ cho Đài Loan hay không. Có sự khác biệt rất to lớn” trong tình cảm của người Đài Loan.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: