Chính quyền Biden hôm thứ Sáu (6/8, giờ Mỹ) đã bắn tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục duy trì thuế quan mà chính quyền Trump đã áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhà Trắng đưa ra quan điểm này trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang gia tăng áp lực yêu cầu Washington phải gỡ bỏ thuế quan nhập khẩu áp lên Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Phát biểu trong buổi họp báo hôm 6/8 tại Washington D.C, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Tổng thống [Biden] luôn sử dụng mọi công cụ mà ông có, bao gồm cả thuế quan, để chiến đấu với các hành vi thương mại bất công vốn gây tổn hại cho công nhân, doanh nghiệp và nông dân Mỹ”.

Tuyên bố nêu trên của bà Psaki dường như là để đáp lại một lá thư mà gần đây các nhóm doanh nghiệp có sức ảnh tại Mỹ đã gửi cho chính quyền Biden. Trong bức thư này, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ yêu cầu Washington khởi động lại mới các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal đưa tin hôm 5/8, gần 40 nhóm thương mại đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất chip bán dẫn, nông nghiệp và các ngành khác đã kêu gọi chính quyền Biden phải khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và gỡ bỏ thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc do chính quyền Trump áp đặt.

Trong lá thư gửi chính quyền Trump, cụ thể là gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, các nhóm doanh nghiệp nói rằng Trung Quốc đã đáp ứng “các tiêu chuẩn và cam kết quan trọng” có trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một được chính phủ hai nước Mỹ và Trung Quốc ký kết vào đầu năm 2020.

Một nghị trình thương mại tập trung vào công nhân nên hạch toán chi phí mà các loại thuế quan của Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên người Mỹ tại Trung Quốc và tại Mỹ, và cần gỡ bỏ các loại thuế quan gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ”, lá thư của các nhóm doanh nghiệp Mỹ tuyên bố.

Trong gần 40 nhóm doanh nghiệp cùng ký tên vào lá thư gửi chính quyền Mỹ, đáng chú ý có các nhóm mang tầm ảnh hưởng lớn như Phòng Phương mại Mỹ, tổ chức Bàn tròn Kinh doanh, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ và Hiệp hội Ngành Bán dẫn.

Chính quyền Biden hiện vẫn đang duy trì các loại thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá gần 360 tỷ USD vốn do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. Tuy nhiên, ông Biden cũng đã tiến hành một cuộc thẩm tra toàn diện thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung, trong đó bao gồm rà soát thuế quan.

Trong cuộc họp báo hôm 6/8, bà Psaki nói rằng hiện vẫn chưa có thời gian biểu cụ thể cho việc công bố kết luận thẩm tra. Ngoại giới cũng không rõ liệu chính quyền Biden có gỡ bỏ thuế quan hiện hành áp lên hàng hóa Trung Quốc sau khi có kết luận thẩm tra thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung hay không.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung yêu cầu Trung Quốc trong hai năm 2020 và 2021 phải mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá 200 tỷ USD. Theo bản phân tích dữ liệu thương mại Trung Quốc của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc đã hoàn thành được 58% mục tiêu mua hàng hóa dịch vụ Mỹ trong năm 2020 và qua 6 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành được 69% mục tiêu cả năm.

Dù ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc vào đầu năm 2020, nhưng chính quyền Trump vẫn tiếp tục duy trì thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc để ép chế độ Bắc Kinh phải thay đổi các chính sách thương mại bất công, trong đó có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ cưỡng ép, trợ cấp nhà nước cho các công ty nội địa và hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Tài chính Yellen đã đặt nghi vấn về tính hiệu quả của thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. Bà Yellen là quan chức đầu tiên của chính quyền Biden công khai lên tiếng chỉ trích chính sách thuế quan thừa hưởng từ thời Trump.

Theo quan điểm của tôi, nếu xét một cách cẩn thận về việc các vấn đề nằm ở đâu và lợi ích của Mỹ là gì, thì các biểu thuế hiện hành đã không thực sự áp lên Trung Quốc”, bà Yellen nói trong cuộc phỏng vấn với New York Times.

Bộ trưởng Tài chính của Tổng thống Biden cho rằng các biểu thuế nhập khẩu đó là “thuế áp lên người tiêu dùng”.

Theo tôi, trong một số trường hợp, thuế quan mà chúng ta đang gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ và thỏa thuận mà chính quyền trước đã đàm phán thực sự trên nhiều phương diện đã không giải quyết được những vấn đề cơ bản mà chúng ta đang vướng mắc với Trung Quốc”, bà Yellen nói.

Các công ty và các hiệp hội thương mại Mỹ đã đang gắng sức phản đối thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. Hơn 6.000 doanh nghiệp, trong đó có Ford, Tesla và Home Depot đã đệ đơn kiện động thái áp đặt thuế quan này lên tòa án. Họ lập luận rằng các loại thuế nhập khẩu đó không chỉ là chính sách tồi, mà còn “không hợp pháp”.

Theo hồ sơ tòa án, chính quyền Biden đã yêu cầu tòa bác bỏ vụ kiện liên quan đến thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền Biden khẳng định rằng việc áp đặt thuế đó là hợp pháp.

Các chuyên gia thương mại nhận định rằng chính quyền Biden sẽ không gỡ bỏ thuế quan nếu không đảm bảo chắc chắn Bắc Kinh sẽ nhượng bộ. Các chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngờ về việc chế độ Trung Quốc có thể thực hiện đầy đủ cải cách cấu trúc để xử lý các vấn đề dài hạn như chuyển giao công nghệ cưỡng ép và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc chưa bao giờ giữ lời hứa theo đuổi các chính sách định hướng thị trường, theo một báo cáo mới của Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới có trụ sở tại Washington. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng lãnh đạo chính quyền Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. Chính vì những vi phạm này của Bắc Kinh, chính quyền Trump năm 2017 đã tiến hành một cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1979 đối với các hành vi thương mại và kinh tế của Trung Quốc.

Sau cuộc điều tra đó, chính quyền Trump đã tiến hành áp đặt nhiều gói thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, tổng cộng trị giá gần 360 tỷ USD, với mức thuế suất trung bình 19%. Lượng hàng hóa Trung Quốc phải chịu thuế này chiếm khoảng 66% tổng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.

Như Ngọc (theo The Epoch Times)

Xem thêm: