Hôm thứ Tư, ông Joe Biden cho biết ông đã thông qua lệnh hành pháp về các biện pháp trừng phạt mới đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Ông cũng lặp lại yêu cầu các tướng lĩnh Myanmar phải từ bỏ quyền lực và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự.

Embed from Getty Images

Biden cho biết lệnh này cho phép chính quyền của ông “ngay lập tức trừng phạt các nhà lãnh đạo quân sự đã chỉ đạo cuộc đảo chính, trừng phạt các lợi ích kinh doanh của họ cũng như các thành viên trong gia đình họ”.

Một trong các biện pháp trừng phạt là Mỹ sẽ đóng băng 1 tỷ đô la trong quỹ của chính phủ Myanmar tại Hoa Kỳ.

Chính quyền Biden cho hay trong tuần này họ sẽ xác định nhóm các mục tiêu đầu tiên tiếp cận quỹ này.

“Chúng tôi cũng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ. Chúng tôi đang đóng băng các tài sản ở Hoa Kỳ có lợi cho chính phủ Myanmar, đồng thời tiếp tục duy trì sự ủng hộ của chúng tôi đối với việc chăm sóc sức khỏe, các nhóm xã hội dân sự và các lĩnh vực khác mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Myanmar”, ông Biden nói tại Nhà Trắng.

“Chúng tôi sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế của mình để kêu gọi các quốc gia khác tham gia cùng chúng tôi trong những nỗ lực này,” ông nói thêm.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, bao gồm việc bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu chọn Aung San Suu Kyi, đã khiến chính quyền Biden được thử thách trong cuộc khủng hoảng quốc tế lớn đầu tiên, đồng thời là bài kiểm tra cho những cam kết kép của ông trong việc “tập trung vào nhân quyền” trong chính sách đối ngoại và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh.

Ông Biden nói: “Tôi một lần nữa kêu gọi quân đội Miến Điện trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo và các nhà hoạt động chính trị dân chủ. Quân đội phải từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm giữ.”

Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính, nhưng các nhà phân tích cho rằng chính quyền mới của Myanmar sẽ không bị cô lập như các lần trước đó, bởi Trung Quốc, Ấn Độ, các nước láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản khó có thể cắt đứt quan hệ do tầm quan trọng chiến lược của đất nước này trong khu vực.

Derek Mitchell, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar, cho biết điều quan trọng là phải kêu gọi các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore tham gia vào một phản ứng mạnh mẽ chung.

Ông cho hay điều quan trọng sẽ không chỉ là những gì Mỹ làm, mà là cách Mỹ kêu gọi những đồng minh khác tham gia cùng với mình.

Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ xem xét một nghị quyết vào thứ Sáu do Anh và Liên minh châu Âu soạn thảo nhằm lên án cuộc đảo chính và yêu cầu Myanmar cấp quyền tiếp cận khẩn cấp cho các giám sát viên.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc và Nga – đều có quan hệ với các lực lượng vũ trang của Myanmar – dự kiến ​​sẽ phản đối hoặc cố gắng làm suy yếu nghị quyết này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào tuần trước kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi, nhưng không bao gồm việc lên án cuộc đảo chính.

Các cuộc biểu tình vẫn nổ ra hàng ngày ở Myanmar, thu hút mọi tầng lớp, nghề nghiệp, bao gồm cả những vận động viên thể hình để ngực trần, phụ nữ mặc áo dạ hội hoặc váy cưới, nông dân cưỡi máy kéo hay những người dẫn theo cả thú cưng đi biểu tình.

Hàng nghìn người đã tham gia biểu tình ở thành phố Yangon, trong khi ở thủ đô Naypyitaw, hàng trăm nhân viên chính phủ đã tuần hành để ủng hộ chiến dịch bất tuân dân sự.

Các cuộc biểu tình, được coi là lớn nhất ở Myanmar trong hơn một thập kỷ, đã làm sống lại ký ức về gần nửa thế kỷ quân đội cầm quyền cho đến khi lực lượng này bắt đầu từ bỏ một số quyền lực vào năm 2011.

Quân đội biện minh cho việc tiếp quản của mình, nói rằng cuộc bầu cử ngày 8/11 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo, đã bị gian lận. Ủy ban bầu cử quốc gia đã bác bỏ những lời cáo buộc của quân đội.

Mặc dù ông Biden không nêu rõ ai sẽ bị áp dụng các lệnh trừng phạt mới, nhưng Washington có khả năng nhắm vào thủ lĩnh cuộc đảo chính – tướng Min Aung Hlaing – và các tướng lĩnh hàng đầu khác. Đây cũng là những người đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2019 vì bức hại người Hồi giáo Rohingya và các nhóm thiểu số khác.

Washington cũng có thể nhắm mục tiêu đến Myanmar Economic Holdings Limited và Myanmar Economic Corp, các công ty do quân đội nắm giữ và liên quan đến các khoản đầu tư vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, đá quý, đồng, viễn thông và quần áo.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã giành giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì vận động cho dân chủ và vẫn rất nổi tiếng ở quê nhà bất chấp danh tiếng quốc tế của bà bị tổn hại do các cáo buộc liên quan đến đàn áp người Rohingyas.

Bà đã bị quản thúc gần 15 năm và hiện phải đối mặt với cáo buộc nhập lậu 6 bộ đàm viễn thông. Luật sư của bà nói rằng ông không được phép gặp bà Suu Kyi.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: