Chính quyền Biden sẽ đua tranh để có ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2022-2024, Ngoại trưởng Antony Blinken loan báo hôm thứ Tư (24/2).

Embed from Getty Images

Trong một thông điệp qua video gửi tới Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm 24/2, ông Blinken đã nói Mỹ sẽ ứng cử vào cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ ba năm từ 2022 đến 2024.

Ngoại trưởng Mỹ xác nhận rằng Hội đồng Nhân quyền cần phải cải cách, trong đó có vấn đề “tập trung không tương xứng” vào Israel. Nhà nước Do Thái là quốc gia duy nhất mà hồ sơ nhân quyền và tư cách thành viên của họ đều bị đưa ra trong tất cả ba cuộc họp mỗi năm của Hội đồng.

Ông Blinken nói thêm rằng các quốc gia “với hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất không nên được là thành viên của Hội đồng này”.

Chính quyền Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền từ giữa năm 2018 vì cơ quan của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ này đã tập trung quá mức vào việc chỉ trích Israel. Cho đến nay, Israel là nước phải nhận nhiều nghị quyết phê phán nhất từ Hội đồng Nhân quyền.

Chính quyền Trump cũng đã lên án vấn đề tư cách thành viên của Hội đồng, trong đó bao gồm một số nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Hội đồng gồm 47 thành viên này hiện tại có sự góp mặt của Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Nga và Venezuela – tất cả các nước này đều là thủ phạm về vi phạm nhân quyền. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khi đó là bà Nikki Haley đã gọi Hội đồng Nhân quyền là “kẻ bảo kê cho lạm dụng nhân quyền và là hầm cầu của định kiến chính trị”.

Năm ngoái, Hội đồng Nhân quyền đã gặp phải chỉ trích nặng nề khi chỉ định Trung Quốc vào một ủy ban chuyên hỗ trợ chọn các nhà điều tra nhân quyền của Hội đồng. Động thái này vào thời điểm đó được một nhà vận động nhân quyền ví như việc “đưa một người mắc chứng cuồng phóng hỏa vào làm trưởng phòng cứu hỏa thị trấn”.

Ông Blinken trong một tuyên bố khác đã thừa nhận những thách thức mà Hội đồng Nhân quyền đang gặp phải, nhưng cũng đã nhấn mạnh rằng “việc cải thiện Hội đồng và thúc đẩy công việc quan trọng của cơ quan này” sẽ được làm hiệu quả nhất khi [Mỹ] có tư cách thành viên.

Trả lời một câu hỏi của The Epoch Times về việc liệu Mỹ sẽ dấy lên chủ đề Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong Hội đồng hay không, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng chính quyền đương nhiệm “sẽ tập trung vào thúc đẩy các nghị quyết và hỗ trợ các tuyên bố chung thúc đẩy việc chịu trách nhiệm về vi phạm và lạm dụng nhân quyền toàn cầu, đặc biệt tập trung nhấn mạnh các điều kiện nhân quyền đang ngày càng xấu đi tại Trung Quốc”.

Phiên bỏ phiếu kết nạp thành viên mới cho Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 3 năm 2022-2024 dự kiến sẽ diễn ra tại cuộc họp thường niên của Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Mười tới đây.

Ngoại trưởng Blinken trong phát biểu qua video gửi tới Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nói rằng Mỹ sẽ “lên án những hành vi lạm dụng [nhân quyền] tại những nơi như Venezuela, Cuba và Iran”. Ông cũng tái khẳng định Mỹ kêu gọi Nga phải thả tự do cho chính trị gia đối lập Alexei Navalny, cũng như hàng trăm người khác đã bị bắt giam trong các cuộc biểu tình.

Chúng tôi sẽ lên tiếng cho các giá trị phổ quát khi các hành động tàn bạo xảy ra tại Tân Cương hoặc khi các quyền tự do cơ bản bị xói mòn tại Hồng Kông”, ông Blinken nói, có ý đề cập đến việc chế độ Trung Quốc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và Bắc Kinh ngày càng đàn áp nhân quyền tại Đặc khu Hồng Kông.

Ngày 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gửi thông điệp bằng video tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong đó phủ nhận nước này đang phạm tội diệt chủng, đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương. Ông Vương cũng nói rằng chế độ Trung Quốc có cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” đối với vấn đề nhân quyền.

Chính quyền Trump vào tháng Một vừa qua đã liệt hành vi tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương là tội ác diệt chủng. Ngoại trưởng Blinken của chính quyền Biden đã chấp nhận kế thừa động thái này của chính quyền tiền nhiệm. Trong khi đó, Quốc hội Canada hôm 22/2 cũng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua nghị quyết thừa nhận Trung Quốc phạm tội diệt chủng tại Tân Cương.

Việc chính quyền Biden có ý định trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhận phải chỉ trích gay gắt từ các chính trị gia Đảng Cộng hòa.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley viết trên Twitter hôm 24/2: “Hoa Kỳ không nên trao uy tín cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giả dối. Một nhóm bao che cho những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới và sử dụng hầu hết thời gian để tấn công Israel”.

Đầu tháng này, một nhóm 45 dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đã gửi một lá thư cho Tổng thống Joe Biden yêu cầu ông không đưa nước Mỹ tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền vốn chưa bao giờ ban hành một nghị quyết nào lên án các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Cuba và Pakistan trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2019.

Các dân biểu Cộng hòa viết trong thư: “Chúng tôi tin Tổng thống Trump đã đúng khi rút nước Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền. Việc Mỹ tham gia cơ quan này đã không khiến nó thực hiện được bất kỳ cải cách có ý nghĩa nào”.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: