Ông Kem Sokha, lãnh đạo của Đảng Cứu quốc Campuchia đã bị giải tán, hôm thứ Hai (10/9) đã được thả tự do sau hơn một năm bị giam giữ vì bị cáo buộc tội phản quốc nhưng chưa xét xử.

Embed from Getty Images

Hàng trăm người dân Campuchia ủng hộ ông Kem Sokha đã tập hợp bên ngoài nhà riêng của ông này tại thủ đô Phnom Penh sáng 10/9.

Hãng tin AP cho biết Tòa án Thành phố Phnom Penh hôm 10/9 phát đi tuyên bố nói rằng ông Kem Sokha đã được chấp nhận bảo lãnh tại ngoại vì lý do sức khỏe. Tòa án này nhấn mạnh rằng vụ án của lãnh đạo đối lập này vẫn sẽ tiến hành.

Ông Kem Sokha đã được trở về nhà vào rạng sáng 10/9 và ở đó đã có hàng trăm người ủng hộ tập hợp để chào mừng ông được thả tự do, theo AP.

Việc ông Kem Sokha được thả là động thái mới nhất trong một loạt hành động thả người bất đồng chính kiến của chính quyền Hun Sen sau khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy.

Đây không phải là động thái mới của Thủ tướng Campuchia. Lãnh đạo cầm quyền ở đất nước chùa tháp hơn ba thập kỷ qua có lịch sử đàn áp mạnh mẽ những người đối lập khi ông bị thách thức, sau đó sẽ giảm bớt áp bức khi mối đe dọa mất quyền lực qua đi.

Chính quyền Hun Sen đã mạnh tay đàn áp phe đối lập và các tiếng nói phản đối CPP khác vào năm ngoái khi thời điểm đó đảng cầm quyền có nguy cơ bị thách thức quyền lực. Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) của ông Kem Sokha đã gây được tiếng vang lớn trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2017 và trước đó vào năm 2013 cũng đem đến thách thức không nhỏ cho CPP trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông Kem Sokha bị bắt vào tháng 9/2017 dựa trên các băng video quay cảnh ông này phát biểu tại một cuộc thảo luận trong Đảng CNRP có nói về việc nhận lời khuyên của các nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Mỹ. Ông Kem Sokha và CNRP đã phủ nhận cáo buộc phản quốc này và gọi đó là động cơ chính trị.

Vào tháng 11/2017, một tòa án tại Campuchia đã ra phán quyết giải tán Đảng CNRP, cáo buộc rằng đảng này đã có âm mưu nhờ sự hỗ trợ của Mỹ để lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen.

Không còn thách thức từ đảng đối lập lớn nhất, ông Hun Sen và Đảng CPP đã thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy vừa qua và tiếp tục mở rộng quyền lực, bất chấp việc cộng đồng quốc tế cho rằng cuộc bầu cử tại Campuchia là không công bằng.

Phản ứng trước việc ông Kem Sokha được thả tự do, ông Sam Rainsy – đồng sáng lập Đảng CNRP và hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng việc thả ông Kem Sokha chỉ là bước đầu tiên và ông Hun Sen nên có những động thái tiếp theo để khôi phục nền chính trị dân chủ tại Campuchia.

Trong năm 2017, ngoài việc bắt giữ ông Kem Sokha và giải tán Đảng CNRP, chính quyền Hun Sen còn cấm 118 lãnh đạo cao cấp của CNRP tham gia chính trị và hơn 5000 thành viên của đảng này nắm giữ các chức vụ tại chính quyền địa phương thông qua bầu cử đã bị ép phải rời bỏ nhiệm sở.

Ông Sam Rainsy nói rằng những biện pháp nêu trên của chính quyền Hun Sen phải được rút lại, khôi phục chức vụ, công việc cho các quan chức địa phương là thành viên Đảng CNRP. Cựu Chủ tịch CNRP cũng yêu cầu rằng đảng đối lập phải được cho phép hoạt động hợp pháp trở lại và tổ chức cuộc bầu cử mới với sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Ông Phil Robertson – Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Quan sát Nhân quyền có trụ sở tại New York cho rằng: “Mặc dù phấn khích trước việc thả [ông Kem Sokha] hôm nay, nhưng chúng ta vẫn còn trên con đường dài để đi tới khôi phục nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Campuchia”.

Trước khi bất ngờ cho thả ông Kem Sokha, hôm 30/8, một tòa án tại Phnom Penh đã ra lệnh gia hạn thời gian tạm giữ lãnh đạo Đảng CNRP thêm 6 tháng, khiến những người ủng hộ ông Kem Sokha thất vọng. Thời điểm đó, nhiều người hy vọng ông Sokha sẽ được thả tự do vì đã có hơn 20 tù nhân chính trị khác đã được thả nhờ ân xá hoặc bảo lãnh tại ngoại.

Thủ tướng Hun Sen hôm 31/8 đã phát biểu công khai rằng ông Kem Sokha sẽ không được thả tự do và sẽ không được nhận ân xá vì ông chưa bị kết án.

Thanh Long

Xem thêm: