Nông dân và thương nhân cacao tại Venezuela những năm gần đây gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và vụ mùa năm nay họ có thêm mối lo mới: chính quyền Maduro can thiệp, thu giữ cacao của người dân, lấy lý do truy thu khoản nợ thuế.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, thương nhân Freddy Galindo cho biết các xe tải chở đầy cacao của ông khi rời nhà kho tại bang Miranda đã bị lính chính phủ tại các trạm kiểm soát chặn lại và giữ vài ngày. Các tài xế đã bị ép phải chuyển xuống nhà kho chính phủ một số kiện hàng. Ông Galindo nói rằng khoảng 87 tấn cacao của ông, trị giá khoảng 130.000 USD đã bị mất khi các trạm kiểm soát của chính quyền thả tất cả các xe tải đi.

Các thương nhân khác tại bang Miranda – bang sản xuất lớn thứ hai Venezuela, cũng loan báo rằng trong vài tháng gần đây hàng hóa của họ cũng bị chậm trễ lưu thông và bị thu giữ tương tự như hàng của thương nhân Freddy Galindo.

Theo Reuters, các quan chức chính phủ nói rằng các trạm kiểm soát dừng các xe hàng là để ngăn chặn vấn nạn trộm cacao và số lượng cacao mà chính phủ giữ lại là để truy thu khoản thuế mà các chủ hàng đang nợ.

Thống đống bang Miranda Hector Rodriguez – đồng minh thân cận của Tổng thống Nicolas Maduro, thừa nhận với Reuters rằng việc tạm giữ các xe hàng chở cacao tại các trạm kiểm soát quá cảnh là gây cản trở cho các thương nhân, nhưng ông cũng nói công việc đó là cần thiết để ngăn chặn các băng đảng chuyên chở cacao trộm. Ông Rodriguez giải thích rằng nhà nước chỉ thu cacao của những thương nhân đang nợ thuế và nói thêm rằng những hiểu nhầm ban đầu đã được giải quyết.

Tuy nhiên, động thái của chính quyền Maduro nêu trên khiến cho nông dân và thương nhân cacao lo sợ rằng ngành của họ đang bị nhà nước nhắm mục tiêu quốc hữu hóa.

Thương nhân Galindo – chủ sở hữu doanh nghiệp Comercializadora Freyra tại San Jose de Barlovento nói với Reuters rằng các quan chức chính quyền đang “gây sức ép lên các doanh nghiệp tư nhân để họ chuyển hàng hóa cho chính phủ miễn phí”. Ông Galindo cho biết ông không nhận được bất kỳ lời giải thích nào từ cơ quan chức năng cho khoản cacao mà ông bị tịch thu.

Thực tế, việc quốc hữu hóa tại Venezuela từ khi nước này theo đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa năm 1999 dưới thời Tổng thống Hugo Chavez đã khiến cho ngành dầu mỏ và các ngành sản xuất khác, cũng như ngành công nghiệp nông thôn, trong đó có sản xuất cafe và đường bị tê liệt.

Hiện tại, khối tư nhân vẫn đang kiểm soát ngành cacao tại Venezuela. Tuy nhiên, với sự sụt giảm của giá dầu và khó khăn trong khai thác dầu mỏ, chính quyền Maduro đã gia tăng tập trung vào các ngành xuất khẩu thay thế như vàng và cacao.

Theo Reuters, bang Miranda năm nay đã thành lập công ty nhà nước để thu mua cacao của nông nhân phục vụ xuất khẩu. Thống đốc Rodriguez cho biết công ty này tính đến nay đã xuất khẩu được 500 tấn cacao, chiếm khoảng 5% sản lượng xuất khẩu cacao hàng năm của Venezuela.

Mặc dù các quan chức nhà nước chưa bắt buộc người trồng cacao địa phương phải bán sản phẩm của họ cho công ty thu mua của nhà nước, nhưng nhiều người dân lo lắng rằng đây là bước khởi đầu của chính quyền Maduro trước khi họ tiến hành các bước quốc hữu hóa triệt để hơn.

Nông dân Freddy Padrn, 50 tuổi, người có 11 héc-ta trồng cacao gần San Jose nói với Reuters: “Nó sẽ giống như cây mía đường. Họ [chính quyền] đã chiếm đoạt mọi thứ và ngày nay không có đường. Bây giờ, tất cả điều này là nguy cơ.”

Venezuela có truyền thống sản xuất cacao từ thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Veneuzela chỉ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn đến 10.000 tấn cacao mỗi năm, con số khá nhỏ so với các nhà xuất khẩu cacao hàng đầu thế giới như Bờ Biển Ngà và Ghana. Tuy vậy, cacao thành phẩm của Venezuela được các nhà sản xuất sô-cô-la từ Nhật Bản tới Thụy Sĩ đều đánh giá là một trong những loại cacao tốt nhất thế giới.

Dù cacao Venezuela nổi tiếng như vậy, nhưng những năm gần đây một số nhà sản xuất sô-cô-la thế giới đã cắt giảm nhập cacao của quốc gia nam Mỹ này. Một trong những nguyên nhân của việc này là do giấy phép xuất khẩu bị đình trệ. Ngoài ra, việc chính quyền Maduro kiểm soát chặt chẽ tiền tệ khiến cho người nông dân gặp khó trong việc nhập khẩu hóa chất cần thiết cho việc bảo vệ mùa màng, chống dịch bệnh cây trồng.

Công đoạn thu hoạch cacao cũng phải rút ngắn hơn trước do người nông dân lo ngại nếu để khô cacao lâu trên cánh đồng sẽ bị kẻ trộm lấy mất. Điều này đã làm chất lượng cacao của Venzuela giảm sút so với trước đây.

Theo Reuters, một thập kỷ trước giá cacao của Venezuela cao hơn 36% so với giá cacao của các nhà sản xuất hàng đầu tại Bờ Biển Ngà. Nhưng trong 8 tháng đầu năm 2018, giá cacao của Venezuela chỉ còn cao hơn 6%.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Thống đống bang Miranda Rodriguez cho biết trước thực trạng ngành cacao trong nước, ông đã nghĩ ra kế hoạch để vực dậy ngành này. Một trong những đề xướng của ông Rodriguez là: thành lập Tập đoàn Cacao Miranda của nhà nước để tạo ra doanh thu từ xuất khẩu.

Ông Rodriguez nói với Reuters rằng kế hoạch của ông là nhằm cải thiện an ninh cho nông dân và giúp họ gia tăng chất lượng cacao. Ông nói thêm rằng doanh thu từ bán cacao sẽ đầu tư cho việc đào tạo kỹ thuật cho người sản xuất, cũng như mua xe tuần tra để giúp cảnh sát ngăn chặn những kẻ trộm cacao.

Ông Rodriguez thừa nhận với Reuters rằng người dân tại Miranda sợ chính quyền sẽ tịch biên tài sản của họ. Ông nói người dân đã quen với chính quyền trước không can thiệp (thời chính trị gia đối lập Henrique Capriles làm thống đốc Miranda) và khi họ có thống đống mới theo đường lối của Hugo Chavez, tất cả họ nói rằng: “Họ [chính quyền] sẽ sung công [tài sản] của chúng tôi, họ sẽ đuổi chúng tôi đi. Họ rất sợ.”

Venezuela sắp bước vào cao điểm thu hoạch cacao trong tháng Hai và tháng Ba, nhưng các thương nhân như ông Galindo đang chơi bài toán an toàn, thận trọng bằng việc chưa thu mua nhiều vì chính quyền không có giải thích rõ ràng chủ trương của họ.

“Bây giờ chúng tôi đang chờ đợi. Chúng tôi không muốn mua [hàng] vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Galindo nói với Reuters.

Tân Bình

Xem thêm: