Hôm 4/2, chính quyền mới của Myanmar do quân đội quản lý đã chặn Facebook với lý do nhằm đảm bảo ổn định chính trị, theo Reuters. Các nhà hoạt động cho biết ít nhất ba người đã bị bắt trong một cuộc biểu tình trên đường phố chống lại cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Người dân gõ xoong nồi phản đối vụ đảo chính)

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, hiện đang phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc sau khi quân đội tiếp quản đất nước vào sáng sớm hôm thứ Hai. 

Động thái đảo chính của quân đội đã khiến làn sóng phản đối bùng nổ trên Facebook – nền tảng mạng xã hội chính của Myanmar. Quân đội sau đó đã chặn truy cập Facebook, ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Facebook cũng bị chặn.

Tuy vậy, Facebook vẫn có thể hoạt động lẻ tẻ sau khi người dân dùng VPN để “vượt tường lửa”. Những người biểu tình ở Mandalay đã sử dụng nền tảng này để phát trực tiếp (livestream) cuộc biểu tình trên đường phố đầu tiên kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra.

“Người dân phản đối cuộc đảo chính quân sự” là nội dung trên một trong các biểu ngữ.

Nhóm biểu tình khoảng 20 người đã hô vang: “Hãy thả ngay bây giờ, ngay bây giờ các nhà lãnh đạo đã bị bắt của chúng tôi.” 

Ba người đã bị bắt sau cuộc biểu tình, theo các nhóm sinh viên cho biết.

Mạng xã hội Facebook cũng đã được sử dụng để chia sẻ hình ảnh về một chiến dịch bất tuân dân sự của nhân viên y tế tại các bệnh viện chính phủ trên khắp đất nước. Các bác sĩ đã ngừng làm việc hoặc đeo dải băng màu đỏ của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.

Hình ảnh được chia sẻ hôm thứ Tư cho thấy các nhân viên tại Bộ Nông nghiệp cũng tham gia chiến dịch bất tuân dân sự.

Các dấu hiệu khác của việc người dân giận dữ cũng đã xuất hiện. Trong hai đêm, người dân ở Yangon và các thành phố khác đập xoong nồi và bấm còi xe để phản đối. Những hình ảnh này được lan truyền rộng rãi trên Facebook.

Min Ko Naing, một cựu chiến binh của các chiến dịch chống lại chế độ quân sự trong quá khứ, cho biết: “Đèn sáng trong bóng tối”. “Chúng ta cần cho thấy có bao nhiêu người chống lại cuộc đảo chính bất công này.”

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mạng xã hội Facebook, hiện có khoảng hơn 27 triệu nguời sử dụng ở Myanmar, sẽ bị chặn cho đến ngày 7 tháng 2 vì người dùng “lan truyền tin tức giả mạo và thông tin sai lệch và gây ra hiểu lầm”.

Telenor Asa của Na Uy, nhà điều hành mạng di động hàng đầu của Myanmar, cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ chỉ thị chặn Facebook.

“Telenor không tin rằng yêu cầu này dựa trên sự cần thiết và tính tương xứng, phù hợp với luật nhân quyền quốc tế,” hãng cho biết trong một tuyên bố.

Người phát ngôn của Facebook, Andy Stone, kêu gọi các nhà chức trách khôi phục kết nối “để mọi người ở Myanmar có thể liên lạc với gia đình, bạn bè của họ và truy cập thông tin quan trọng”.

Một số người đã sử dụng VPN để tránh bị chặn Facebook. Hiện Twitter (không bị chặn) đang chứng kiến ​​sự gia tăng người dùng mới tại Myanmar.

Theo ủy ban bầu cử, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được khoảng 80% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11. Tuy nhiên, quân đội đã từ chối chấp nhận kết quả này và cáo buộc bầu cử gian lận.  

Chính quyền do Tổng tư lệnh Lục quân Min Aung Hlaing đứng đầu đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và hứa sẽ tổ chức lại một cuộc bầu cử công bằng, nhưng không cho biết khi nào.

Bà Suu Kyi đã trải qua khoảng 15 năm bị quản thúc tại gia từ năm 1989 đến năm 2010 khi bà lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước. Mặc dù danh tiếng quốc tế bị tổn hại với cáo buộc bức hại người Hồi giáo Rohingya, bà vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà.

Quân đội đã cai trị Myanmar từ năm 1962 cho đến khi đảng của bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015.

Hôm 4/2, Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước diễn biến chính trị ở Myanmar và yêu cầu thả bà Suu Kyi ngay lập tức.

Lê Vy

Xem thêm: