Sau khi Ukraine bị Nga xâm lược, các cuộc biểu tình phản chiến đã diễn ra tại hơn 60 thành phố ở Nga, theo đó ít nhất 1.849 người đã bị bắt giữ.

Embed from Getty Images

Cảnh sát Moscow bắt giữ một phụ nữ tham gia biểu tình phản chiến vào hôm 24/02/2022. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, ít nhất 1700 người Nga đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình hôm 24/02 (Kirill Kudryavtsev / AFP/Getty). 

Nhiều nguồn tin được các hãng truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy, ngay sau khi ông Putin có hành động quân sự đặc biệt đối với Ukraine, hàng ngàn người ở nước Nga đã xuống đường biểu tình: một số cầm cờ Ukraine; một số cầm những biểu ngữ như: “Sát cánh cùng Ukraine”, “Putin là kẻ giết người”, và “Không có chiến tranh”, đồng thời hô vang khẩu hiệu “Chống chiến tranh”

Theo thông tin, tại Quảng trường Pushkin ở Moscow có khoảng 2000 người đã tụ tập biểu tình. Cảnh sát cho rằng sự kiện này là một cuộc tụ tập bất hợp pháp, đã ngay lập tức chặn các lối đi gần đó và giải tán người biểu tình, dùng loa phóng thanh ra lệnh cho họ nhanh chóng rời khỏi khu vực.

Trên các đường phố ở thành phố lớn thứ hai của Nga là St.Petersburg cũng có tới cả ngàn người biểu tình, đã diễn ra nhiều cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình. AFP đưa tin, cảnh sát chống bạo động đã bắt hơn 170 người biểu tình trên đại lộ chính của thành phố này. Đoạn video từ hiện trường dưới đây cho thấy cảnh sát được trang bị đầy đủ đã dùng vũ khí đánh những người biểu tình, một số người biểu tình đã bị khống chế.

Svetlana Volkova, một phụ nữ địa phương 27 tuổi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng cô không dám tin nước Nga thực sự đang có chiến tranh với các nước láng giềng. Tôi nghĩ rằng chính phủ đã trở nên điên rồ nhưng không nhiều người trong nước dám đứng lên phản đối, mọi người đã bị tuyên truyền tẩy não.

Thông tin từ cơ quan giám sát biểu tình độc lập OVD-Info của Nga công bố lúc 15:42 (giờ Moscow) ngày 25/2, kể từ từ ngày 24 đã có hơn 1.849 người Nga bị giam giữ vì tham gia trong các cuộc tuần hành hoặc biểu tình chống chiến tranh tại 61 thành phố của Nga. Những người biểu tình tại 61 thành phố bao gồm cả thủ đô Moscow và St.Petersburg của Nga đã xuống đường bày tỏ tức giận với cuộc chiến của Điện Kremlin.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu (25/2): “Đối với tất cả các công dân của Liên bang Nga đã ra đường biểu tình, chúng tôi muốn nói: Chúng tôi đã thấy các bạn. Nghĩa là các bạn đã nghe được tiếng nói của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là các bạn đang bắt đầu tin tưởng vào chúng tôi. Đấu tranh cùng chúng tôi chống lại chiến tranh”.

Theo mạng tin tức chính trị Politico, trang web của nhóm dân sự OVD-Info này đã bị chính quyền Moscow chặn vào năm 2021 khi thúc đẩy mở rộng đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.

Các video được cộng đồng mạng đăng tải trên các nền tảng xã hội cho thấy trên khắp nước Nga từ chiều đến tối thứ Năm (24/2) đã nổ ra các cuộc biểu tình với nhiều quy mô khác nhau. Từ các cuộc biểu tình lớn hàng trăm người ở St.Petersburg và Moscow đến các cuộc biểu tình nhỏ ở các thành phố nhỏ hơn như Chelyabinsk ở miền trung nước Nga.

Tại Moscow, nơi hơn 900 người bị cho là đã bị giam giữ, các video lan truyền trên mạng cho thấy cảnh sát được trang bị vũ khí đã xuất hiện dày đặc trên đường phố.

Theo NBC, nhiều công dân Moscow đã gọi cuộc xâm lược là “một thảm kịch” và lo sợ cho những người thân của họ ở Ukraine.

Embed from Getty Images

Cảnh sát Moscow bắt giữ một phụ nữ tham gia biểu tình ngày 24/2/2022 phản đối việc Nga xâm lược Ukraine (Kirill Kudryavtsev / AFP/Getty Images).

Nhà nghiên cứu Paul Stronski của chương trình “Nước Nga và Âu-Á” thuộc Viện Carnegie nói với mạng tin tức chính trị Politico: “Nhiều người Nga cảm thấy sốc… Điều đó cho thấy họ không muốn chiến tranh, không chỉ vậy, trong cảnh nước Nga dưới thể chế độc tài cũng cho thấy người biểu tình này là những người rất dũng cảm”.

Chính quyền Nga đã yêu cầu công dân không tham gia các cuộc biểu tình phản chiến. Ủy ban Điều tra của Nga đã cảnh báo trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng: sẽ có “hậu quả pháp lý tiêu cực, bao gồm truy tố và trách nhiệm hình sự” đối với người tham gia vào kêu gọi “các cuộc bạo loạn và biểu tình liên quan đến các căng thẳng về chính sách đối ngoại”; “Cần phải nhớ người nào bị lưu hồ sơ phạm tội là tương lai của cá nhân đó sẽ không tốt”...

Hôm thứ Năm, Putin đã tuyên bố “hoạt động quân sự đặc biệt” và gửi quân đến Ukraine. Putin thề sẽ “phi quân sự hóa” Ukraine để bảo vệ người Nga tại Ukraine khỏi “nạn diệt chủng”, quân đội Nga đã xâm lược Ukraine bằng cả đường biển, đường bộ và đường không.

Các nước phương Tây đã bác bỏ cáo buộc của Putin, cho rằng hoạt động của quân đội Nga là cuộc xâm lược lớn nhất mà một nước châu Âu gặp phải kể từ Thế chiến thứ Hai.

Giao tranh bùng phát khắp Ukraine vào sáng sớm thứ Sáu (25/2).

Tổng thống Vladimir Zelensky của Ukraine cho rằng việc Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow là chưa đủ mạnh. Ông Zelensky đã đưa ra nhận xét vào sáng ngày thứ Sáu sau khi thủ đô Kiev của Ukraine bị trúng tên lửa của Nga, kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa.

Mộc Vệ (t/h)