Tình trạng bị ngắt kết nối thông tin dưới thời chính phủ quân sự Myanmar đã trở nên tồi tệ hơn vào thứ Năm (8/4) khi dịch vụ băng thông rộng cáp quang, phương thức hợp pháp cuối cùng để người dân truy cập Internet một cách bình thường, đã không thể truy cập được trên một số mạng.

Embed from Getty Images

Các nhà chức trách ở một số khu vực cũng đã bắt đầu tịch thu các chảo vệ tinh được sử dụng để truy cập các chương trình phát sóng tin tức quốc tế.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi tiếp tục diễn ra hôm thứ Năm, bất chấp việc các lực lượng an ninh đã giết 11 người.

Hiện chưa rõ liệu việc gián đoạn Internet đối với ít nhất hai nhà cung cấp dịch vụ, MBT và Infinite Networks, có phải là tạm thời hay không. MBT cho biết dịch vụ của họ đã bị tạm dừng do đứt tuyến giữa Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất của đất nước. Tuy vậy, từ trước đó, người dùng internet đã phàn nàn về việc nghẽn mạng nghiêm trọng của các nhà cung cấp dịch vụ này.

Chính phủ quân sự đã dần hạn chế dịch vụ Internet kể từ cuộc đảo chính. Ban đầu, quân đội cấm Facebook và sau đó cắt dịch vụ dữ liệu di động, cách kết nối Internet phổ biến nhất, nhưng chỉ vào ban đêm. Khi chính quyền gia tăng việc sử dụng vũ lực chết người đối với những người biểu tình, lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng dữ liệu di động cũng được áp đặt chặt chẽ.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất hơn 600 người biểu tình và những người chứng kiến ​​đã bị giết bởi lực lượng an ninh kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra.

Việc sử dụng truyền hình vệ tinh như một nguồn thông tin cũng đang bị đe dọa. Tại Laputta và các thị trấn khác ở đồng bằng sông Irrawaddy phía tây nam Yangon, chính quyền địa phương đã thông báo qua loa phóng thanh rằng việc sử dụng chảo vệ tinh không còn hợp pháp và người dân phải nộp chúng tại đồn cảnh sát. Cảnh sát cũng đột kích các cửa hàng bán bát chảo và tịch thu chúng.

Các dịch vụ tin tức trực tuyến Khit Thit Media và Mizzima cho biết các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện ở bang Mon ở phía đông nam của đất nước. 

Kể từ sau cuộc đảo chính, tất cả các tờ nhật báo không thuộc sở hữu nhà nước đã ngừng xuất bản và các trang tin tức trực tuyến đã phải chịu áp lực nghiêm trọng. Năm kênh tin tức độc lập đã bị thu hồi giấy phép hoạt động vào đầu tháng 3 và được yêu cầu ngừng xuất bản và phát sóng trên tất cả các nền tảng, nhưng hầu hết đều bất chấp lệnh cấm. 

Khoảng 30 nhà báo bị bắt kể từ cuộc đảo chính vẫn đang bị giam giữ, trong đó một nửa trong số họ đối mặt với tội danh “lưu hành thông tin có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc gây rối trật tự công cộng” với hình phạt có thể lên tới ba năm tù.

Trong một bức thư ngỏ gửi chính phủ quân sự Myanmar vào hôm thứ Ba, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York đã kêu gọi “thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các nhà báo bị giam giữ sau ngày 1 tháng 2”.

Ủy ban cho biết kể từ khi quân đội tiếp quản, “tình hình tự do báo chí đã xấu đi nhanh chóng… Các bản tin cho thấy các nhà báo đã bị đánh, bắn bị thương bằng đạn thật và bị lực lượng an ninh bắt giữ và buộc tội tùy tiện trong khi chỉ làm công việc của họ là đưa tin về các cuộc biểu tình”.

Về mặt ngoại giao, Christine Schraner Burgener, đặc phái viên LHQ tại Myanmar, sẽ đến Thái Lan trong tuần này và hy vọng sẽ thăm các nước khác trong Hiệp hội 10 nước thành viên Đông Nam Á cũng như Trung Quốc, phát ngôn viên của LHQ Stephane Dujarric cho biết hôm thứ Năm.

Bà đã kêu gọi quốc tế có phản ứng mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng, cũng như kêu gọi một nỗ lực thống nhất trong khu vực để gây áp lực với chính quyền quân sự ở Myanmar.

Bà Schraner Burgener cũng đang tìm cách đến Myanmar. Bà hy vọng quân đội sẽ cho phép bà tiếp cận đất nước và các nhà lãnh đạo bị giam giữ bao gồm Tổng thống U Wint Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Lê Xuân (theo CNA)

Xem thêm: