Chính quyền Trump hôm thứ Tư (8/5) đã thông báo áp đặt chế tài lên các mặt hàng kim loại xuất khẩu của Iran như sắt, thép, nhôm và đồng. Động thái này của Washington sẽ bóp nghẹt nguồn doanh thu lớn thứ hai của Tehran sau ngành dầu mỏ, tiếp tục leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Embed from Getty Images

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)

Thông báo chế tài ngành kim loại Iran của chính phủ Mỹ đến đúng vào ngày kỷ niệm một năm Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Trong thông báo chế tài, Tòa Bạch Ốc nói rằng mặt hàng kim loại đóng góp khoảng 10% vào doanh thu xuất khẩu của Iran. Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt chế tài lên ngành dầu mỏ – nguồn doanh thu xuất khẩu chính của chế độ Tehran.

“Vì hành động của chúng tôi, chế độ Iran đang vật lộn để tài trợ cho các chiến dịch khủng bố bạo lực sẽ gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy, nguồn thu chính phủ cạn kiệt, và lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát,” ông Trump nói trong một tuyên bố.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đang áp đặt thành công chiến dịch gây áp lực tối đa mạnh mẽ nhất từng được chứng kiến, [và] hành động hôm nay sẽ tăng cường hơn nữa.”

Vào đầu tháng Năm, chính quyền Trump đã thông báo họ sẽ không gia hạn quyền miễn trừ cho 8 quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ Iran. Động thái này chính thức bóp nghẹt hoàn toàn ngành công nghiệp dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trước đó một tháng, chính quyền Trump đã liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là một tổ chức khủng bố nước ngoài.

Mỹ coi Iran là “chế độ ngoài vòng pháp luật”. Washington đổ lỗi cho Tehran có những hành động gây hại trên khắp thế giới và các nhà lãnh đạo Iran là những nhà tài trợ lớn nhất cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Một năm trước, ông Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do thỏa thuận này đã cho phép Iran tiếp tục tài trợ khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo, cùng nhiều vấn đề gây hại khác. Theo Reuters, tình báo Israel năm 2018 cũng tiết lộ rằng Iran đã che dấu một kho lưu trữ lớn về nghiên cứu vũ khí hạt nhân vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Vài giờ trước khi chính quyền Trump thông báo chế tài ngành kim loại Iran, chế độ Tehran đã thông báo chính thức tới các đại sứ của Anh Quốc, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga về quyết định Iran sẽ dừng tuân thủ “một số cam kết” trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chuyển thư thông báo về quyết định này của Iran tới các đại sứ của 5 cường quốc đang duy trì tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015.

Anh Quốc hôm 8/5 đã nói rằng họ cực kỳ quan ngại về thông báo của Iran và nhấn mạnh rằng Tehran sẽ lĩnh hậu quả nếu nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

“Chúng tôi cực kỳ quan ngại về thông báo này và thúc giục Iran phải tiếp tục tuân thủ các cam kết của họ theo thỏa thuận hạt nhân và không được thực hiện các bước leo thang,” Reuters dẫn phát biểu của phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói trên Đài tiếng nói Pháp rằng các cường quốc Châu Âu đã đang làm mọi thứ có thể để giữ thỏa thuận này tồn tại, nhưng sẽ có hậu quả và các chế tài nếu thỏa thuận không được tuân thủ.

Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho Mỹ đã khiến Iran rút khỏi một phần thỏa thuận hạt nhân. Trung Quốc lên tiếng nói rằng thỏa thuận này nên tiếp tục được thực thi và kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và theo đuổi đối thoại.

Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã đặt ra 12 yêu cầu mà chế độ Tehran phải tuân thủ, trong đó Iran phải đóng cửa chương trình hạt nhân, dừng làm giàu plutonium, cho phép thanh sát viên quốc tế vào Iran, và dừng phát triển tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân.

Ông Trump đã nói: “Tehran có thể đối mặt với nhiều chế tài hơn nếu họ không thay đổi một cách cơ bản cách hành xử của họ. Tôi mong chờ một ngày nào đó sẽ gặp mặt các lãnh đạo Iran để tìm kiếm một thỏa thuận, và thực thi các bước đi rất quan trọng để mang tới cho Iran một tương lai mà họ xứng đáng được hưởng.”

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng nói rằng những yêu cầu của Mỹ đối với Iran cũng tương tự như với các nước khác và Iran không phải là trường hợp độc nhất.

Trước áp lực của Mỹ, các nhà cầm quyền Iran đã phản kháng mạnh mẽ. Vào tháng Một, Tehran đã phóng thất bại vệ tinh, bất chấp cảnh báo từ chính quyền Trump và trong tháng Hai, Iran đã thử một loại tên lửa đạn đạo mới.

Khi Mỹ chế tài ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran, chế độ Tehran đã phản ứng bằng việc đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz tại Vùng Vịnh nếu tàu hàng của họ bị phong tỏa ở đó. Eo biển Hormuz là nơi lưu thông khoảng 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu trên toàn thế giới.

Xuân Thành

Xem thêm: