Chính quyền Trump hôm thứ Hai (14/9) đã ban hành lệnh hạn chế khẩu bông, tóc người, quần áo và các sản phẩm khác được làm ra bằng việc sử dụng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

shutterstock 585728027
Hình ảnh một công xưởng dệt may tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) hôm 14/9 đã ban hành 5 lệnh ủy thác hay Lệnh hủy bỏ (Withhold Release Order – WRO) đối với nhiều loại hàng hóa tại Tân Cương nhằm trấn áp “các hành vi sử dụng lao động cưỡng bức bất hợp pháp, vô nhân tính và bóc lột”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát đi tuyên bố cho hay: “Những hành động này gửi một thông điệp rõ ràng tới PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) rằng đã đến lúc họ phải chấm dứt thực hành cưỡng bức lao động có sự bảo trợ của nhà nước và phải tôn trọng nhân quyền của tất cả người dân”.

WRO không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị áp dụng WRO sẽ được tái xuất hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất từ lao động cưỡng bức, theo Nam Hoa Tảo báo.

Chính quyền Trump ban hành lệnh WRO đối với hàng hóa nhập từ Tân Cương vào thời điểm Washington thực thi hành động mạnh mẽ hơn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì nhà cầm quyền này gia tăng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác tại Tân Cương.

Theo The Epoch Times, những người sống sót được sau khi bị giam giữ tại các trại tập trung Tân Cương và đào thoát ra nước ngoài thành công đã kể lại rằng họ đã bị tra tấn, hãm hiếp và bị ép học tập lý luận tuyên truyền cộng sản. Người dân Tân Cương cũng phải chịu đựng hệ thống giám sát diện rộng bằng mạng lưới camera an ninh dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các trạm kiểm soát và thu thập dữ liệu sinh trắc học.

Các nhà nghiên cứu quốc tế hồi tháng Ba đã phát hiện rằng hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương cũng đã được chuyển đi làm việc tại nhiều nhà máy khắp Trung Quốc trong các điều kiện làm việc và sinh hoạt khiến người ta hình dung về cưỡng bức lao động.

Hồi tháng Sáu, CBP đã thu giữ 13 tấn sản phẩm tóc người bị nghi đã được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

>>Các sản phẩm tóc người từ Tân Cương: Bằng chứng về sự đàn áp của ĐCSTQ

Các lệnh WRO mà CBP vừa ban hành áp dụng đối với mặt hàng bông do các công ty Xinjiang Junggar Cotton và Xinjiang Linen Co. sản xuất và chế biến; hàng may mặc do các công ty Yili Zhuowan Garment Manufacturing Co. và Baoding LYSZD Trade & Business Co. tại Tân Cương sản xuất; các sản phẩm tóc được sản xuất tại Khu Công nghiệp Sản xuất Tóc Lop County ở Tân Cương; tất cả các sản phẩm do Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng nghề số 4 tại Tân Cương sản xuất; và các linh kiện máy tính được sản xuất tại Hefei Bitland Information Technology Co. ở tỉnh An Huy, theo The Epoch Times.

Quyền lãnh đạo CBP Mark A. Morgan trong tuyên bố phát đi hôm 14/9 cho biết: “Chính quyền Trump sẽ không làm ngơ và không cho phép các công ty nước ngoài sử dụng người lao động dễ bị tổn thương làm lao động cưỡng bức, đồng thời gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ vốn tôn trọng nhân quyền và luật pháp”.

Các lệnh WRO đối với nhiều hàng hóa tại Tân Cương nhập khẩu vào Mỹ đánh dấu thêm một động thái leo thang của Washington để phản đối lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã đưa gần 50 công ty Trung Quốc vào ‘Danh sách thực thể’ và cấm các công ty Mỹ kinh doanh với những công ty này mà không có giấy phép đặc biệt.

Khoảng 85% bông của Trung Quốc được trồng ở Tân Cương, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Còn theo liên minh các công đoàn và nhóm hoạt động, ước tính khoảng 1/5 tổng số quần áo cotton được bán trên thế giới có chứa bông hoặc sợi có nguồn gốc từ Tân Cương.

Mỹ đã nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD vào năm ngoái. Bông, sợi và vải từ Tân Cương cũng được chuyển qua các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka để may quần áo.

Xuân Thành

Xem thêm: