Xung đột bùng phát từ 10/5 giữa Israel và các nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine đã tạm dừng nhờ vào sự trung gian hòa giải của Ai Cập và sức ép từ chính quyền Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế. Căng thẳng bùng phát giữa Israel và Palestine cho thấy đây vẫn là một trong những điểm nóng mà Mỹ và quốc tế không thể bỏ qua. Đó cũng là cơ hội để giới quan sát quốc tế nhìn nhận về cách tiếp cận khác nhau trong chính sách đối với Israel của chính quyền Biden và chính quyền Trump.

Embed from Getty Images

Trong khi ông Biden, trong giai đoạn đầu tại nhiệm, đang chủ trương sử dụng cách tiếp cận không can thiệp đối với Israel và cả khu vực Trung Đông rộng lớn, chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ, thì ngược lại, ông Trump cho thấy mình là một người bảo vệ Israel kiên định, thiết lập mối quan hệ gắn kết với các lãnh đạo của nhà nước Do Thái và làm việc cả công khai và bí mật để đạt được một loạt các thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo Ả Rập.

Dưới đây là một số khác biệt trong cách tiếp cận các vấn đề Israel giữa ông Trump và ông Biden:

Đại sứ Mỹ tại Israel

Ông Trump: Tổng thống Mỹ thứ 45 đã đề cử biện lý David Friedman là Đại sứ Mỹ tại Israel vào ngày 15/12/2016 – hơn một tháng trước khi ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ.

Ông Biden: Tổng thống Mỹ thứ 46 có thể sẽ sớm đề cử một đại sứ Mỹ tại Israel. Theo Axios, cựu viên chức ngoại giao Thomas Nides đang là ứng viên sáng giá nhất cho ghế nóng này. Tuy nhiên, ông Biden đã đang chịu áp lực lớn, đặc biệt sau khi cuộc xung đột Israel – Hamas bùng nổ từ 10/5, vì chưa đề cử một vị đại sứ Mỹ tại quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ mặc dù ông đã tại nhiệm được hơn 4 tháng. Và cùng lúc với việc trì hoãn chọn đại sứ Mỹ tại Israel, đội ngũ Biden cũng đã từ chối cử một viên chức ngoại giao cấp cao Mỹ thường trú tại nhà nước Do Thái để đại diện cho Nhà Trắng.

Đại sứ quán Mỹ tại Israel

Ông Trump: Ông Trump ưu tiên chuyển Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Động thái chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem năm 2017 là việc làm mà các tổng thống Mỹ trước đây đã thảo luận rất lâu nhưng chưa bao giờ hành động, được cho là vì họ sợ làm kích động thêm căng thẳng trong khu vực.

Ông Biden: Khi là ứng viên tổng thống, ông Biden đã gọi việc chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel của ông Trump là “nghĩ ngắn”, nhưng cho đến nay ông Biden vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc ông sẽ đảo ngược động thái của người tiền nhiệm. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Biden vào năm 1995 đã bỏ phiếu tán thành luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, theo New York Times đưa tin.

Các thỏa thuận hòa bình

Ông Trump: Chính quyền Trump đã làm trung gian hòa giải để ký thành công các Hiệp định Abraham. Các thỏa thuận này đã bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel và UAE và Bahrain. Sau đó, Sudan và Morocco cũng đã tham gia. Những hiệp định hòa bình này của nhóm bộ tứ Ả Rập với Israel là loại thỏa thuận hòa bình đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Ả Rập kể từ khi Jordan ký thỏa thuận hòa bình với nhà nước Do Thái năm 1994.

Ông Biden: Cho đến khi xung đột Israel – Hamas bùng phát hôm 10/5, chính quyền Biden chưa cho thấy Isarel là ưu tiên chính sách của họ và cũng không tiếp tục thúc đẩy mở rộng các Hiệp định Abraham. Mặc dù Oman đã cân nhắc bình thường hoàn toàn mối quan hệ với Israel trong nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng đến tháng Hai (dưới thời Biden), Oman đã quyết định giữ “các mối quan hệ và đối thoại hiện tại”, theo một bài phát biểu của Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi.

Các khu định cư ở Bờ Tây

Ông Trump: Ông Trump vào tháng 3/2019 đã chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, một khu vực Israel chiếm giữ được từ Syria trong cuộc Chiến tranh 7 Ngày năm 1967. Đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời ông Trump cũng đã tới thăm một khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, hợp thức hóa không chính thức một trong những tiền đồn gây tranh cãi của Israel.

Ông Biden: Ngoại trưởng Antony Blinken của chính quyền Biden đã xác nhận “tầm quan trọng thực sự của Cao nguyên Golan đối với an ninh của Israel”, và chưa có động thái rút lại tuyên bố của ông Trump về việc công nhận khu vực này thuộc chủ quyền của nhà nước Do Thái. Ông Biden đã lên án các khu định cư tại Bờ Tây nhưng chưa trừng phạt Israel vì nước này mở rộng khu định cư ở đây, theo New York Times.

Viện trợ cho Palestine

Ông Trump: Ông Trump đã kết thúc các chương trình viện trợ cho Palestine do Liên Hiệp Quốc và các bên khác thiết lập.

Ông Biden: Ông Biden đã cam kết sẽ nối lại dòng tiền mặt đổ vào các nhóm viện trợ cho Palestine, trong đó đã cam kết 235 triệu USD cấp cho cơ quan chăm sóc sức khỏe Liên Hiệp Quốc đang làm việc tại lãnh thổ Palestine, theo New York Times.

Tổ chức Giải phóng Palestine (P.L.O)

Ông Trump: Ông Trump đã cho đóng cửa văn phòng của phái đoàn P.L.O tại Washington D.C từ năm 2018. Chính quyền Trump cũng đã ký ban hành luật, trong đó sẽ khiến cho P.L.O dễ dàng gặp phải hàng loạt vụ kiện trí mạng nếu tổ chức này mở lại văn phòng tại Mỹ.

Ông Biden: Chính quyền Biden đã nối lại hoạt động ngoại giao với P.L.O, theo New York Times. Ông Biden cũng đã nói ông muốn văn phòng của phái đoàn P.L.O ở Washington D.C được mở lại. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đương nhiệm chưa nêu chi tiết họ sẽ làm gì để giúp P.L.O tránh được các vụ kiện hàng triệu USD chiếu theo luật của thời kỳ Trump.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Ông Trump: Ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ năm 2018. Israel từ lâu cũng đã phản đối thỏa thuận này. Hơn nữa, chính quyền Trump đã áp đặt các chế tài nặng nề lên Iran, làm suy yếu nền kinh tế Tehran vốn đang cấp nguồn lực cho hai nhóm khủng bố đối đầu với Israel là: Hamas và Hezbollah.

Ông Biden: Khi còn là phó tổng thống dưới thời Obama, ông Biden là một trong những nhân vật quan trọng giúp hoàn tất thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2015. Khi trở thành tổng thống, ông Biden đã phái đi các đại diện để đàm phán đưa nước Mỹ tái nhập thỏa thuận. Theo NBC News, nếu Mỹ tái nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, thì nhiều khả năng họ sẽ gỡ bỏ nhiều chế tài cứng rắn mà chính quyền Trump đã áp lên Tehran.

Xuân Thành (Theo Newsmax)

Xem thêm: