Mỹ là chính thể cộng hòa, một nước cộng hòa liên bang hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Trong đó, ba nhánh Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp cùng nắm giữ và chia sẻ quyền lực của chính quyền liên bang căn cứ theo Hiến pháp.

Nước Mỹ là chính thể cộng hòa

Chính thể cộng hòa là hình thức nhà nước, trong đó nguyên thủ quốc gia được lập theo một chế độ bầu cử nhất định. Quyền lực tối cao của nhà nước theo chính thể cộng hoà không thuộc về một người mà được thực hiện thông qua các cơ quan đại diện do cử tri bầu ra.

Đối chiếu với định nghĩa nêu trên, nước Mỹ là chính thể cộng hòa. Nhà nước liên bang Mỹ bao gồm 50 tiểu bang, một số lãnh thổ trực thuộc và đặc khu Washington D.C, cũng là thủ đô.

>>Nước Mỹ là nền dân chủ hay nền cộng hòa?

Cấu trúc của chính quyền liên bang Mỹ

Chính quyền liên bang Mỹ bao gồm 3 nhánh quyền lực: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

Nhánh Hành pháp

Đứng đầu nhánh hành pháp của chính quyền liên bang Mỹ là tổng thống. Tổng thống là nhân vật có quyền lực nhất trong chính phủ, vừa là người đúng đầu chính phủ vừa là nguyên thủ quốc gia. Trợ lý của tổng thống là phó tổng thống. Phó tổng thống là người liên danh tranh cử với tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử.

Quyền lực và chức năng của tổng thống được giới hạn trong Hiến pháp. Trách nhiệm của tổng thống bao gồm cả việc đứng đầu lực lượng vũ trang với vai trò tổng tư lệnh quân đội, bổ nhiệm thành viên nội các và đề cử thẩm phán tòa án liên bang. Tổng thống Mỹ được cầm quyền tối đa hai nhiệm kỳ, với mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, hai nhiệm kỳ tổng thống có thể liên tiếp hoặc gián đoạn.

Nhánh Lập pháp

Nhánh lập pháp trong chính quyền Mỹ gồm hai viện: Hạ viện và Thượng viện.

Hạ viện bao gồm 435 thành viên, gọi là dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một khu vực dân cư gọi một quận. Số dân biểu liên bang đại diện cho tiểu bang phụ thuộc vào dân số của tiểu bang đó, tiểu bang càng đông dân thì càng có nhiều dân biểu. Các đoàn đại biểu đại diện cho các lãnh thổ thuộc Mỹ cũng là thành viên của Hạ viện. Nhiệm kỳ của dân biểu là 2 năm, mỗi 2 năm bầu lại tất cả các dân biểu Hạ viện.

Thượng viện gồm 100 thành viên gọi là Thượng nghị sĩ. Mỗi bang trong 50 tiểu bang bầu ra 2 thượng nghị sĩ, không phụ thuộc vào diện tích và quy mô dân số. Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, mỗi 2 năm bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ Thượng viện.

Nhánh Tư pháp

Nhánh Tư pháp của chính thể cộng hòa Mỹ là độc lập, không chịu ảnh hưởng của nhánh Lập pháp và Hành pháp. Nhánh Tư pháp gồm Tối cao Pháp viện, các tòa án liên bang, các tòa án chuyên biệt khác, và các tổ chức hỗ trợ các tòa án. Nhánh Tư pháp chịu trách nhiệm duy trì, giải thích và áp dụng luật. Nhánh Tư pháp cũng chịu trách nhiệm xét xử các vụ án và đưa ra các quyết định pháp lý.

Các nguyên tắc vận hành chính quyền Mỹ

Nguyên tắc phân chia quyền lực

Vào cuối những năm 1780, Các Điều khoản Liên bang, hệ thống chính quyền đầu tiên của nước Mỹ đã bộc lộ rõ không hiệu quả. Chính quyền trung ương được thành lập căn cứ theo Các Điều khoản này thiếu quyền lực điều hành mạnh mẽ, cũng như phương thức giải quyết các tranh chấp ở cấp độ toàn quốc.

Tuy nhiên, nếu bổ sung một cơ quan hành pháp vào chính quyền Mỹ có thể đặt ra các vấn đề phức tạp khác: Liệu một cơ quan hành pháp có quyền kiểm soát quân đội có trở nên quá mạnh mẽ? Liệu một chính phủ liên bang có nhiều quyền lực có sớm trở thành một chính phủ độc tài?

Tại Hội nghị Hiến pháp, các bậc khai quốc Mỹ đã thảo luận về những vấn đề nêu trên. Giải pháp cuối cùng của họ là thiết lập nguyên tắc chia sẻ quyền lực giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp trong chính quyền. Nguyên tắc chia sẻ quyền lực này sẽ yêu cầu mỗi nhánh quyền lực phải hợp tác với các nhánh khác để hoàn thành các mục tiêu hoạch định chính sách. Chẳng hạn, mặc dù nhánh hành pháp chỉ huy quân đội, nhưng chỉ có nhánh lập pháp mới có quyền tuyên bố chiến tranh và duyệt cấp tiền để chi trả và cung ứng cho quân đội. Do đó, cả nhánh lập pháp (Quốc hội) và nhánh hành pháp (Tổng thống) phải đồng thuận với nhau mới có thể đưa nước Mỹ tham gia vào một cuộc chiến tranh.

Cũng theo nguyên tắc phân chia quyền lực này, mỗi nhánh của chính quyền có những đặc quyền độc nhất. Quốc hội do là nhánh chịu trách nhiệm nhiều nhất với ý chí của người dân (những người bầu ra thành viên Quốc hội), nên cơ quan lập pháp này có quyền ban hành luật, tuyên bố chiến tranh, phê chuẩn các hiệp ước, và đánh thuế. Trong khi, nhánh hành pháp thực thi các công việc đối ngoại và chỉ huy quân đội. Nhánh Tư pháp diễn giải luật mà Quốc hội ban hành và diễn giải công việc của tổng thống để xác định xem những bộ luật đó, công việc đó có phù hợp với hiến pháp hay không.

Nguyên tắc kiểm tra và đối trọng

Ngoài chia sẻ quyền lực, mỗi nhánh trong chính quyền Mỹ có quyền kiểm tra hoặc ngăn chặn hành động của các nhánh còn lại theo các cách thức khác nhau. Chẳng hạn, tổng thống có quyền phủ quyết luật do Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, Quốc hội có thể cân đối lại quyền lực đó của tổng thống bằng việc họ có thể bác bỏ phủ quyết của tổng thống nếu tập hợp được 2/3 phiếu.Trong khi, nhánh Tư pháp (Tòa án) có thể chặn luật do Quốc hội thông qua và Tổng thống ban hành hoặc chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống lại là người đề cử và Quốc hội là cơ quan phê chuẩn các thẩm phán. Quốc hội cũng có thể luận tội thẩm phán nếu cho rằng vị này lạm quyền.

Nguyên tắc kiểm tra và đối trọng giúp ngăn chặn mỗi nhánh trong chính quyền Mỹ hành xử vượt quá quyền hạn được trao và cũng ngăn chặn chính quyền liên bang trở nên quá mạnh.

Cấu trúc của chính thể Mỹ ảnh hưởng tới công dân thế nào?

Trước tiên, nguyên tắc chia sẻ quyền lực trong chính quyền có nghĩa rằng việc làm luật sẽ là một tiến trình lâu dài và phức tạp. Mặc dù điều này làm chậm tốc độ hoạch địch chính sách một cách đáng kể, nhưng các vị khai quốc Mỹ muốn điều đó để khiến chính quyền khó hành động. Hệ quả tích cực của hệ thống chia sẻ quyền lực này là nó tạo cho người dân nhiều cơ hội để tác động lên luật pháp khi luật trải qua tiến trình hoạch địch chính sách từ ý tưởng ban đầu tới bước thực thi cuối cùng. Chẳng hạn, nếu Quốc hội thông qua một bộ luật mà công dân không đồng tình, thì công dân có thể vận động thuyết phục tổng thống phủ quyết bộ luật đó. Công dân cũng có thể kiện lên tòa án để chặn bộ luật đã được Quốc hội thông qua và tổng thống ký ban hành.

Thứ hai, nguyên tắc kiểm tra và đối trọng đảm bảo chính quyền làm việc vì lợi ích của người dân và tuân thủ luật pháp. Các quan chức chính quyền phạm tội hoặc lạm dụng quyền lực có thể bị luận tội. Một quan chức công quyền nếu bị luận tội và bị kết tội, thì quan chức đó sẽ bị phế truất khỏi nhiệm sở. Tiến trình này thể hiện rằng, trong nước Mỹ không có ai đứng trên pháp luật, kể cả các quan chức công quyền cấp cao nhất.

Hải Đăng 

Tài liệu tham khảo: [1] Loại hình chính thể Mỹ là gì? ConstitutionUS [2] Các nguyên tắc của chính thể Mỹ, KHAN Academy [3] Chính trị Hoa Kỳ, Wikipedia

Xem thêm: