Tác giả Rupert Darwall vừa cho ra mắt cuốn sách mới mang tên “Nền Độc tài Xanh”, theo đó ông cho rằng động cơ chính trị đằng sau các cuộc vận động nhân danh vì môi trường là nhằm thu hẹp sự tự do của người dân Mỹ.

Chuyên gia phân tích chính trị Rupert Darwall trong cuốn sách mới của ông “Nền Độc tài Xanh” đã nói hiện nay việc bảo vệ môi trường đã trở thành độc tôn, là vấn đề không thể động chạm. Đó là lý do tại sao các chính trị gia thường sử dụng các vấn đề môi trường để buộc phe đối lập phải im lặng.

Ông Darwall cho biết các nhóm công nghiệp và chính trị bằng việc quấn mục tiêu của họ xung quanh luật môi trường, có thể che dấu các động cơ thực chất của họ bằng “vỏ ngoài” màu xanh. Chẳng hạn như, họ có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm bất kỳ ngành công nghiệp nào bằng cách gắn mác cho ngành đó thân thiện hay hủy hoại môi trường.

Theo Darwall, vẫn có nhiều nhà hoạt động môi trường thành thực quan ngại về môi trường, nhưng một số khác lại thường sử dụng vấn đề này như con “Ngựa thành Troy” để thực hiện các mục đích chính trị mà không làm điều gì thực sự có lợi cho môi trường.

Chuyên gia Darwall nói rằng những quy định chặt chẽ về môi trường cũng đòi hỏi các nhà nước quản trị mạnh mẽ hoặc một chế độ tập trung quyền lực. Những người báo động về các vấn đề môi trường có thể kích động nỗi sợ hãi trong công chúng để họ từ bỏ quyền tự do của mình.

Trong cuốn sách “Nền Độc tài Xanh”, tác giả Darwall đã khảo cứu các sự kiện lịch sử về nỗi sợ hãi của công chúng với mưa a-xít và mùa đông hạt nhân, từ đó chỉ ra cách những vấn đề này đã bị lợi dụng ra sao để những nhà cầm quyền đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị. Ông Darwall nêu ra một tiến trình tương tự như vậy đang được thực hiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đó là “một cuộc chiến vì tinh thần Mỹ”.

Trong cuộc nói chuyện nhân dịp ra mắt cuốn sách tại Quỹ Di sản ở Washington D.C hôm 28/11, tác giả Darwall cho hay: “Nhân danh chống lại thảm họa hành tinh giúp tổng thống và nhánh hành pháp được quyền cao hơn những gì mà Hiến pháp [Mỹ] quy định. Đây là cái gì đó lớn hơn chính sách năng lượng. Đó là điều lớn hơn cả kinh tế học. Về bản chất, đây là cuộc chiến giữa nhà nước quản trị và trật tự hiến pháp Mỹ. Đó là về cách nước Mỹ được điều hành thế nào. Nói cách khác, đó là về tự do”.

Stockholm khơi mào cho phong trào môi trường

Nhân vật lịch sử trung tâm trong cuốn sách của Darwall là cựu Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, người tiên phong trong việc đưa các cuộc vận động môi trường trở thành trung tâm trên bàn chính trị.

Vào những năm 1960, Thủ tướng Palme đã bắt đầu nói về nỗi sợ hãi xung quanh mưa a-xít. Ông đã nhận được sự trợ giúp đắc lực của nhà khí tượng học Bert Bolin – người viết báo cáo đầu tiên cấp chính phủ về vấn đề mưa a-xít.

Ông Darwall cho biết Thủ tướng Palme muốn sử dụng việc loại bỏ điện than để giành được sự ủng hộ của công chúng đối với chương trình điện hạt nhân chưa được ưa chuộng của ông. Trong thập kỷ 60 này, ông Palme đã có được sự đồng thuận khoa học với các tuyên bố khẳng định rằng mưa a-xít gây ra do đốt than đang tàn phá rừng và hồ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Darwall, một công trình nghiên cứu kéo dài 10 năm được sự ủy quyền của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, tiêu tốn khoảng 500 triệu USD và hoàn thành vào năm 1990, đưa ra kết luận rằng mưa a-xít không phải là nguyên nhân gây ra những tổn hại đối với rừng và hồ trên thế giới. Mưa a-xít chỉ có ảnh hưởng giới hạn đối với các tán cây cao. Dù vậy, nghiên cứu này thậm chí đã bị chính Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ lờ đi.

Trong những năm 1970, cựu Thủ tướng Thụy Điển Palme lại bắt đầu bày tỏ quan ngại về biến đổi khí hậu. Ông ta đã tiến một bước xa khi vào năm 1974 đã nói với một phóng viên rằng vấn đề biến đổi khí hậu khiến ông lo lắng hơn bất kỳ vấn đề nào khác trên thế giới.

Chuyên gia Darwall viết trong sách “Nền Độc tài Xanh”: “Thụy Điển sẽ khép lại thập kỷ triền miên chứng kiến các cuộc đình công, đóng cửa ngừng làm việc và những mức thuế cao nhất so với bất kỳ quốc gia công nghiệp nào; các khoản thuế cần để phục vụ chi tiêu công chiếm tới 64% GDP. Khi một vị thủ tướng lại nói về sự nóng lên toàn cầu – trên thực tế đã giảm xuống từ giữa những năm 1940 – là điều làm ông lo lắng nhất khi nền kinh tế đang tụt dốc, có thể chẳng có nghĩa lý gì”.

Tuy nhiên, ông Darwall nói phát ngôn đó không hề vô nghĩa nếu ông Palme sử dụng để thúc đẩy các chương trình chống điện than và ủng hộ điện hạt nhân của ông. Nhà khí tượng học Bolin một lần nữa lại cộng tác với ông Palme, ông Bolin viết cuốn sách “Năng lượng và Khí hậu” vào năm 1975, gây ảnh hưởng tới chính sách năng lượng của Thụy Điển, thúc đẩy việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch. Hai ông Bolin và Palme cũng là những nhân vật có vai trò đáng kể trong việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) trong những năm 1980. Ngày nay IPCC đang giữ vị trí trung tâm trong các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Darwall cho rằng chính phủ Thụy Điển vốn chủ trương trung lập trong các vấn đề địa chính trị quốc tế  đã khiến cho nước này tạo được ảnh hưởng trong việc đề xướng các hành động toàn cầu về các vấn đề môi trường. Ông Darwall chỉ ra rằng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng đã sử dụng Stockholm để truyền bá nỗi sợ hãi về mùa đông hạt nhân. Mục tiêu chính trị của việc gieo rắc nỗi sợ hãi môi trường này là nhằm thúc giục Hoa Kỳ dừng phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Darwall nhận định chủ nghĩa môi trường của Thụy Điển cũng phù hợp với mô hình chính quyền của nước này. Darwall trích dẫn cuốn sách “Những kẻ toàn trị mới” của tác giả Roland Huntford nói: “Xã hội Thụy Điển là sản phẩm của một nền văn hóa tuân thủ, điều đó tạo ra sự phục tùng mù quáng trước quyền lực”.

Mượn lời nhà văn Đức Hans Magnus Enzensberge, ông Darwall cho rằng nhà nước Thụy Điển đã quy tắc hóa “các vấn đề của các cá nhân đến một mức độ chưa từng có so với các xã hội tự do khác. Điều đó không chỉ gây xói mòn dần dần quyền lợi của công dân mà còn nghiền nát tinh thần của họ”.

Luật lệ càng chặt, tự do càng ít

Tác giả Darwall nói rằng loại hình quản lý mạnh mẽ này là cần thiết để tuân thủ các giải pháp về biến đổi khí hậu như Thỏa thuận Khí hậu Paris. Những thị trường tự do sẽ không cắt giảm phát thải khí nhà kính đủ nhiều, phải có sự can thiệp của chính phủ mạnh mới có thể làm được điều đó.

Trong  “Nền Độc tài Xanh”, tác giả Darwall viết: “Tình trạng nóng lên toàn cầu đặt ra câu hỏi về tính chất và mục đích của nhà nước. Liệu vai trò của nhà nước là để thực hiện một sự chuyển hóa cơ bản xã hội hay nhiệm vụ trọng yếu của nó là để bảo vệ tự do?”.

Ông Darwall cho rằng sự phân chia quyền lực (tam quyền phân lập) được quy định trong Hiến pháp Mỹ đang bị đe dọa. “Toàn bộ cấu trúc của Thỏa thuận Paris đã được thiết kế để phá hỏng quy định trong Hiến pháp [Mỹ] về quyền tham vấn và tán thành của Thượng viện”, ông Darwall viết. Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn thỏa thuận này vào năm 2015 mà không cho nó đi qua Thượng viện bằng cách phân loại đây là một Thỏa thuận không phải là một Hiệp định.

Chuyên gia Darwall dẫn lời của cựu Thủ tướng Thụy Điển Palme nói việc tuân thủ một nền cai trị toàn cầu cũng sẽ là cần thiết để thỏa thuận Paris có hiệu quả. Ông Palme từng nói: “Chúng ta phải vượt qua và đạt tới một kỷ nguyên mới nơi tất cả chúng ta thừa nhận rằng sự phụ thuộc lẫn nhau quan trọng đến mức mà chúng ta phải từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia mình”.

Ông Palme còn cho rằng các giải pháp về biến đổi khí hậu có thể không đạt được nếu không có các ý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chuyên gia Darwall đánh giá rằng nhìn chung phong trào môi trường đã và đang bị các nhóm theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa thao túng.

Xanh chính là Đỏ mới

Những người cánh tả cấp tiến tại Đức, được biết đến là thế hệ 1968, đã trở thành hạt nhân trong các phong trào môi trường. Ông Darwall, dẫn lời nhà văn chính trị Paul Berman, nói rằng: “Họ [phe cánh tả] đã lấy các khái niệm tả khuynh trong quá khứ và khoác cho nó tấm áo choàng sinh thái mà chúng ta thấy ngày nay. Tầm nhìn về thảm họa sinh thái thay thế cho tầm nhìn của chủ nghĩa Mác-xít về thảm họa tư bản chủ nghĩa. Tôn sùng rừng, thay cho tôn sùng nhà máy. Và màu xanh lục thay thế cho màu đỏ máu”.

Ông Darwall dẫn chứng rằng năng lượng tái tạo bắt đầu bùng nổ ở Đức, nhưng tốn kém và không hiệu quả. Đạo luật Năng lượng Tái tạo năm 2000 được cho rằng sẽ tạo ra nhiều việc làm xanh tại Đức, nhưng thay vào đó nó lại tạo ra các nhà máy sản xuất các tấm bảng hấp thụ năng lượng mặt trời ở Trung Quốc.

Đạo luật đó được cho là sẽ khiến các hóa đơn tiền điện hàng tháng của người Đức chỉ tương đương giá trị một thìa kem, nhưng thực tế giá điện tăng cao chót vót dẫn đến phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng. Theo ông Darwall, trong suốt 9 năm thực thi đạo luật, các hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng Đức đã tăng thêm 304 triệu USD.

Trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2012, lượng khí nhà kính từ nhà máy điện của Đức tăng lên, trong khi nhà máy ở Mỹ phát thải giảm. Đó là bởi vì sự phức tạp của việc thiết lập một mạng lưới biến các đỉnh núi và thung lũng thành nơi cung cấp năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã khiến các nhà máy điện phát ít phát thải khí không thể kinh doanh được, trong khi lại dựa nhiều vào nhiên liệu phát thải cao hơn.

Năng lượng tái tạo hay phương tiện chuyển tài sản?

Ông Darwall cho rằng với giá thành cao chót vót mà không cắt giảm khí thải, và hàng ngàn chim hoang dã bị chết bởi cối xay gió, chương trình năng lượng tái tạo của Đức đã không góp phần cải thiện môi trường. Trong cuốn sách của mình, Darwall viết: “Đó là một màn khói cho một nghị trình xanh cực đoan và sự chuyển dịch tài sản quy mô lớn từ người tiêu dùng sang những kẻ tìm kiếm đặc lợi từ môi trường”.

Darwall trích dẫn một bài phát biểu của một công chức hàng đầu của Đức đưa ra vào năm 1986.  Ông nói: “Viên chức này tỏ ra rất thẳng thắn trong việc sử dụng cái mà ông gọi là ‘những cụm từ trống rỗng’ để thúc đẩy chương trình nghị sự về môi trường. ‘Cân bằng sinh thái’ là một ví dụ về cụm từ trống rỗng, vô nghĩa. Cụm từ khác là tuyên bố rằng hệ sinh thái và nền kinh tế không có xung đột… chỉ cần nhớ rằng khi nào bạn bằng lòng với ‘tăng trưởng xanh’ hoặc ‘tăng trưởng bất ngờ về việc làm năng lượng xanh’”.

Darwall viết trong sách rằng chủ nghĩa môi trường ở Đức đặc biệt ảnh hưởng tới bang California, Hoa Kỳ. Và khi California đẩy mạnh điện mặt trời và gió, giá điện cũng tăng lên. “Vào năm 2014, California đã phải nhập khẩu 1/3 điện năng tiêu thụ của bang này. Trong khi quảng bá California là hình mẫu cho nước Mỹ, rõ ràng là bất khả thi khi để tất cả 47 bang liền kề khác phải nhập 1/3 điện năng từ nhau”.

Chuyên gia Darwall đã nghiên cứu về kinh tế học và lịch sử tại Đại học Cambridge và từng kinh qua nhiều vị trí trong lĩnh vực tài chính, trong đó có giữ vai trò cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Tài chính Anh Quốc. Darwall nghĩ rằng rủi ro về biến đổi khí hậu đã bị phóng đại, trong khi chi phí cho các giải pháp về giảm thiểu biến đổi khí hậu lại bị nói nhẹ đi.

Ông Darwall khẳng định rằng những gì đang tồn tại trong sự cân bằng là sức sống của kinh tế Mỹ. Hoa Kỳ có đủ tiềm lực để trở thành một siêu cường về dầu mỏ và khí đốt.

Vòng xoáy của sự im lặng

Tác giả Darwall nhận ra rằng quan điểm của ông không phải là điều phổ biến, ít nhất trong con mắt đại chúng. Ông đã nói rằng nhiều người bí mật đồng ý với ông, nhưng lại không bộc lộ công khai quan điểm của họ vì họ sợ đi ngược lại với các câu chuyện phổ biến của giới truyền thông.

Darwall viết rằng: “Báo cáo truyền thông một chiều là điểm nổi bật trong các cuộc thảo luận về khí hậu và năng lượng”. Điều này tạo ra cái chúng ta gọi là “vòng xoáy của sự im lặng”. Thuật ngữ này mô tả tình huống mà người dân không sẵn sàng bộc lộ ý kiến của họ nếu họ thấy những người xung quanh có thể không đồng tình.

Ông Darwall dẫn theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) năm 2014, cho thấy rằng mọi người ít chia sẻ ý kiến của họ khi họ cảm thấy quan điểm này đi ngược với số đông. Pew giải thích: “Một cộng đồng nắm bắt được đầy đủ thông tin phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của người dân đối với các vấn đề chính trị quan trọng và vào việc họ sẵn sàng thảo luận các vấn đề này với những người xung quanh”.

Tân Bình

Xem thêm: