Ngày 2/9/2020 vừa qua, thượng nghị viện Anh quốc đã tổ chức một cuộc thảo luận để sửa đổi luật Thuốc và Thiết bị Y tế, trong đó các thượng nghị sĩ mong muốn bổ sung các điều luật để ràng buộc công dân Anh quốc không đồng lõa với việc sử dụng nội tạng và mô người trái pháp luật. Đáng chú ý, các thượng nghị sĩ đã liên tục lên án Bộ trưởng Y tế về việc làm ngơ trước thực trạng thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng tôn giáo thiểu số khác tại Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Trích lục phần tranh luận tại thượng viện đã được đăng tải trên trang web của ngài David Alton, Huân tước Danh dự của Liverpool, người tích cực hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền liên quan tới Trung Quốc.

thu hoạch nội tạng, La Croix: "Diệt chủng" ở Trung Quốc không giống bất kỳ cuộc diệt chủng nào khác

Thượng nghị sĩ Hunt mở đầu phần tranh luận về tội ác thu hoạch tạng bằng việc cho biết ngài Bộ trưởng Y tế đã liên hệ với ông để nhắc lại “nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO rằng Trung Quốc đang thực hiện một hệ thống ghép tạng tự nguyện có quy chuẩn đạo đức”. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Hunt đã phủ nhận nhận định này, vì nhận định của WHO thực chất là dựa trên “sự tự đánh giá của Trung Quốc”. Thượng nghị sĩ Hunt cũng nhắc lại tuyên bố của Luật sư Anh quốc uy tín Geoffrey Nice tại Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc rằng: “Tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm với quy mô đáng kể.” (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người)

Thượng nghị sĩ Hunt nhấn mạnh rằng với chính sách y tế hiện tại của Anh, các “mô và bộ phận cơ thể người từ các quốc gia trong đó có Trung Quốc được ‘nhập khẩu’ vào Anh mà không bị truy xuất nguồn gốc, không có tài liệu hay sự đồng thuận từ chủ nhân của các bộ phận này”. Do đó, ông hy vọng chính phủ Anh sớm xem xét các sửa đổi luật để ngăn chặn tình trạng đó.

Huân tước Collins tiếp tục phần tranh luận bằng việc chỉ ra rằng tổ chức Y tế Thế giới “không có cơ chế đánh giá sự tuân thủ của các quốc gia theo các chuyên gia độc lập; mà chỉ có thể yêu cầu các quốc gia báo cáo”, do đó, nếu quốc hội Anh tham khảo ý kiến của WHO thì họ đang sử dụng một kết luận chưa có “xác minh độc lập”.

Huân tước Collins nhắc lại rằng vào năm 2008 và 2018, triển lãm thi thể người đã được tổ chức tại Birmingham, Anh và New York, Mỹ, sử dụng thi thể người đến từ Đại Liên, Trung Quốc, tuy nhiên Quốc hội Anh đã không lên tiếng. Trước những quan ngại về việc các thi thể này đến từ tù nhân lương tâm của Trung Quốc (một số bị thu hoạch tạng), tổng chưởng lý New York đã yêu cầu nhà tổ chức phải làm rõ và cuối cùng tuyên bố “không thể xác minh một cách độc lập rằng những thi thể người này không phải là của những người bị giam giữ trong các nhà tù Trung Quốc”. (Xem bài: Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Tam giác giết người)

Huân tước Collins nhắc lại rằng Luật pháp Vương quốc Anh yêu cầu phải có sự đồng ý trước và khả năng xác định nguồn gốc đối với mô người để nghiên cứu y tế và sử dụng trong sản xuất dược phẩm đối với mô người. Tuy nhiên điều này mới chỉ giới hạn trong phạm vi Vương quốc Anh mà chưa được thay đổi để thích ứng với tình trạng buôn bán mô và nội tạng người trên thế giới. Ông cũng nhắc lại rằng có hai công ty Anh quốc hiện đang cung cấp thiết bị bảo quản nội tạng cho Trung Quốc. Do đó, chính phủ Anh cần có đủ phương tiện lập pháp và hành pháp để đảm bảo quốc gia không đồng lõa với việc thu hoạch nội tạng từ các nạn nhân còn sống.

Nữ nam tước Northover nghiêm khắc lên án Bộ trưởng Y tế, nhắc lại về báo cáo của Tòa án độc lập nêu lên tội ác của chính quyền Trung Quốc đối với nhóm Pháp Luân Công và Duy Ngô Nhĩ. Bà thẳng thắn hỏi “Bộ trưởng đã đọc báo cáo chưa?”, vì sao Bộ trưởng vẫn còn lấy ý kiến của WHO trong khi ông phải biết rằng “những ràng buộc đối với WHO hiện tại, công bằng mà nói, thật là kinh dị”. Bà Northover cũng nhấn mạnh rằng quả thật bằng chứng về việc chính quyền Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người đối với các nhóm tù nhân lương tâm nói trên là “không còn nghi ngờ gì nữa”. Thậm chí gần đây bà còn nhận được thông tin rằng những người Duy Ngô Nhĩ đang bị sử dụng làm đối tượng thử nghiệm vắc xin COVID-19 quy mô lớn.

Thượng nghị sĩ Ribeiro hướng sự chú ý tới một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa BMJ, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới tại Anh quốc, thống kê rằng trong số 445 nghiên cứu về nội tạng trên 85.477 ca cấy ghép tại Trung Quốc, thì 99% các nghiên cứu không đưa ra được bằng chứng cho thấy sự đồng thuận từ người hiến tạng (Xem bài: The Guardian: Kêu gọi rút 400 bài báo khoa học về ghép tạng liên quan tới TQ). Bài báo kết luận:

“Cộng đồng cấy ghép tạng đã thất bại trong việc thực thi các tiêu chuẩn đạo đức để cấm xuất bản các nghiên cứu sử dụng các tù nhân bị hành quyết làm đối tượng. Kết quả cho thấy đã có một số lượng lớn các nghiên cứu phi đạo đức được xuất bản. Điều này đặt ra câu hỏi về sự đồng lõa với tội ác, tới mức cộng đồng cấy ghép tạng đã sử dụng và hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu phi đạo đức này. ”

Nữ nam tước O’Loan cho rằng Dự luật sửa đổi mà các thượng nghị sĩ đề xuất là rất quan trọng. Bà cho rằng, “thực tế là nhu cầu về nội tạng để cấy ghép vượt quá nguồn cung, có nghĩa là sẽ có một thị trường thu hoạch nội tạng, cả từ người sống và người chết”, và rằng việc “du lịch ghép tạng” là một vấn nạn lớn. Bà cho rằng việc những người Duy Ngô Nhĩ và người tập Pháp Luân Công bị giết hại để lấy nội tạng là “sự tàn bạo tồi tệ nhất trong thế kỷ 20”.

Nữ nam tước O’Loan cho rằng, không chỉ việc các nhà sản xuất Anh quốc bán thiết bị bảo quản nội tạng cho Trung Quốc là cần phải xem xét, mà thị trường thuốc ức chế miễn dịch cho người nhận tạng và thị trường tạng nhập khẩu từ nước ngoài tới Anh quốc cũng phải được xem xét để có các biện pháp lập pháp cụ thể. Bà nhắc tới báo cáo “Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc từ góc độ kinh tế học” và cho rằng nhiều công ty Anh quốc đã tham gia vào việc cung cấp phương tiện cho tội ác tại Trung Quốc (Xem bài: Các công ty y dược phương Tây đồng lõa trong tội ác thu hoạch tạng).

Trong nhiều phiên tranh luận tại Quốc hội Anh thời gian qua, nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn đã được đặc biệt chú ý. Nhiều nghị sĩ đã giận dữ yêu cầu các quan chức có trách nhiệm nghiêm túc xem xét tội ác thu hoạch tạng “kinh hoàng cùng cực” (utmost horror) của chính quyền Trung Quốc mà trong đó các tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các thành viên Kitô giáo không đăng ký là nhóm nạn nhân chủ yếu bị nhắm tới.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm: