Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm thứ Bảy (13/4) đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kéo mối quan hệ hai nước tới mức tồi tệ nhất trong vòng nhiều thật kỷ qua. Ông Diaz-Canel kêu gọi người dân Cuba phải tăng cường quốc phỏng và kinh tế của đất nước do đảng Cộng sản cầm quyền.

Embed from Getty Images

Ông Diaz-Canel được bầu làm Chủ tịch Cuba thay ông Raul Castro từ tháng 4/2018. (Ảnh: Adalberto Roque-Pool/Getty Images)

Theo Reuters, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội Cuba, Chủ tịch Diaz-Canel đã nói rằng Mỹ đang thực hiện “một cuộc bức hại tài chính ngộp thở khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa và các nguồn lực thiết yếu [của Cuba] đặc biệt khó khăn.”

“Phản ứng của chúng tôi là không, hỡi quý ông đế quốc, người dân Cuba chúng tôi không đầu hàng,” ông Diaz-Canel nói trước quốc hội và nhấn mạnh thêm rằng “chúng ta có hai ưu tiên tuyệt đối: chuẩn bị quốc phòng và cuộc chiến kinh tế cùng lúc.”

Thực tế, nền kinh tế Cuba đã đang bị đình trệ trong những năm gần đây cùng với sự đổ vỡ của đồng minh chiến lược Venezuela. Kết quả là, các thực thể nhà nước Cuba phải cắt giảm sử dụng nhiên liệu và năng lượng và người dân trong năm nay đang bị thiếu thốn hàng hóa cơ bản như bánh mì, thịt và trứng gà.

Hơn nữa, việc chính quyền Trump ngày càng tăng cường chế tài lên Cuba cũng khiến cho chế độ Havana gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vay tiền từ các tổ chức tài chính.

Trước phát biểu của Chủ tịch Diaz-Canel, Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil Fernandez đã kêu gọi chính phủ phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa và tìm các giải pháp thay thế nhập khẩu vì ngoại tệ chính phủ kiếm được đang giảm và việc vay tín dụng để nhập khẩu hay thu hút đầu tư ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Xuất khẩu không tăng trưởng theo kế hoạch. Mức đầu tư nước ngoài mà nền kinh tế đòi hỏi không thành hiện thực,” Bộ trưởng Gil nói. “Chúng tôi có thể dự đoán kế hoạch nhập khẩu sẽ không được hoàn thành vì khoản tín dụng mà chúng tôi cần có thể không thực hiện được vì vẫn còn các khoản nợ đọng.”

Cuba phụ thuộc vào nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhiều hàng hóa, dịch vụ họ sản xuất và tiêu dùng, trong đó có nhiên liệu và thực phẩm. Trong khi, Havana phải mua những hàng hóa, dịch vụ này bằng ngoại tệ mà họ kiếm được từ xuất khẩu và vay nợ tín dụng.

Chính phủ Cuba đã đang phải vật lộn để giữ nền kinh tế tăng trưởng dương và họ dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay sẽ tăng 1,5%. Năm ngoái GDP của Cuba chỉ tăng 1,2%, theo số liệu của nhà nước thông báo.

Reuters, dẫn theo thông tin từ các nhà ngoại giao và thương nhân phương Tây, cho biết Cuba đã không trả nợ cho các nhà cung cấp đúng hẹn trong vài năm qua, làm chồng chất khoảng 1,5 tỷ USD nợ ngắn hạn.

Thương mại đã giảm khoảng 25% từ năm 2013 tới 2017 và cũng giảm trong năm ngoái, theo số liệu của nhà nước Cuba.

Ngoài bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Venezuela, việc đảng cánh hữu lên cầm quyền tại Brazil từ năm ngoái cũng gây khó khăn cho chế độ Havana. Thỏa thuận ‘đổi bác sĩ lấy tiền mặt’ mang lại cho Cuba khoảng 300 triệu USD hàng năm mà chế độ này ký với chính quyền cánh tả Brazil trước đây đã bị chính phủ mới hủy bỏ.

Trong khi đó, chính quyền Trump đã nói rằng Cuba phải chịu trách nhiệm cho sự sống sót của Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro tại Venezuela. Mỹ đã áp đặt thêm chế tài mới nhắm vào Cuba, trong khi tiếp tục duy trì cấm vận thương mại hà khắc đối với quốc đảo này.

Mới đây, Mỹ đã chế tài nhiều tàu và các công ty vận tải chở dầu từ Venezuela tới Cuba. Điều này đe dọa trực tiếp tới an ninh năng lượng và hoạt động giao thông của chế độ Havana.

Chính quyền Trump nói rằng họ có thể sớm kích hoạt một bộ luật không hoạt động từ lâu, trong đó cho phép người Mỹ gốc Cuba kiện các công ty nước ngoài thu lợi từ các tài sản của họ bị chính quyền cộng sản Cuba quốc hữu hóa trong những năm đầu của cuộc Cách mạng 1959.

Xuân Thành

Xem thêm: