Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ không yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các chính sách vi phạm nhân quyền của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ mất đi thẩm quyền đạo đức để đàm luận về vi phạm tự do tôn giáo ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Bà Pelosi cũng kêu gọi tiến hành biện pháp trừng phạt ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy Tân Cương. 

Đây là tuyên bố của bà Nancy Pelosi trong “Hội nghị Bộ trưởng về thúc đẩy Tự do Tôn giáo” lần thứ hai được tổ chức tại Washington hôm 16/7.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã gặp gỡ các phóng viên tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 11 tháng 7 năm 2019 (Ảnh: Getty Images)

Bà Pelosi nói rằng mức độ vi phạm nhân quyền ở Khu tự trị Tân Cương quá lớn, và lợi ích thương mại khổng lồ đôi khi sẽ cản trở chúng ta kiên trì với giá trị quan của mình. Bà kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp trừng phạt Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, theo Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, cho những hành vi của ông ta trong chính sách đàn áp người Tân Cương.

Bà Pelosi từng gặp gỡ ông Trần Toàn Quốc khi đến Tây Tạng năm 2015, khi đó ông Trần còn là Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng, và đến nay đã trở thành lãnh đạo cao nhất tại Khu tự trị Tân Cương. Bà Pelosi cho hay: “Chúng tôi biết rằng việc bổ nhiệm ông Trần là có mục đích. Ông ta được phái đến Tây Tạng để đàn áp người Tây Tạng, sau đó lại được phái đến Tân Cương để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.”

Nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch giam giữ và cải tạo quy mô lớn đối với khoảng 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, ép buộc họ phải từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và tiếp thụ tuyên truyền chính trị của đảng.

Trung Quốc tuyên bố rằng các “Trung tâm bồi dưỡng” tại địa phương nhằm cung cấp cho người dân cơ hội giáo dục nghề nghiệp miễn phí và phát triển kỹ năng công việc của họ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu độc lập người Đức Adrian Zenz đã phát hiện có ít nhất năm cơ quan chính quyền Tân Cương hoặc các trang web của cơ sở giáo dục “tuyên bố một cách rõ ràng và không mập mờ rằng chúng được dành riêng cho tẩy não chính trị.”

Tạp chí Diplomatic trong một bài viết ra ngày 17/7 chỉ ra rằng chính quyền ông Trump đã tiến hành “chỉ trích có chọn lọc” đối với Trung Quốc. New York Times cũng đưa tin, trước khi các cuộc đàm phán chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu đi vào tháng 5 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia đã bày tỏ sự thống nhất trong việc tiến hành các lệnh trừng phạt, nhưng các biện pháp này đã không được Bộ Tài chính thông qua. Tạp chí Diplomatic nhấn mạnh, việc chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương có thể bị coi là một trở ngại cho thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tuần trước, 22 quốc gia đã ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc chấm dứt giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo khác ở Tân Cương. Hoa Kỳ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền và không góp mặt trong tuyên bố chung, tuy nhiên cũng đã có quan chức Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích nặng nề tuyên bố của Phó Chủ tịch Chính phủ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Erkin Tuniyaz khi ông này phát biểu ĐCSTQ hiện đang kiểm soát hiệu quả chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.

Minh Ngọc

Xem thêm: