Để tưởng niệm 34 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), vào ngày 5/6/2023, Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung Quốc đã tổ chức thảo luận bàn tròn tại Đồi Capitol. Sự kiện thể hiện động thái hiếm thấy khi các nhà lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ bày tỏ quan điểm đồng thuận khi ngồi cùng một bàn.

p3340671a776126180
Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy phát biểu tại cuộc thảo luận bàn tròn tại Đồi Capitol tưởng niệm 34 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn. Hoạt động do Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung Quốc tổ chức vào ngày 5/6/2023 (Nguồn ảnh: Đài VOA Mỹ).

Ông McCarthy phát biểu tại cuộc họp: “Điều quan trọng là chúng ta không bao giờ quên những ngày ở Quảng trường Thiên An Môn. Là những nhà lập pháp, điều quan trọng là chúng ta phải thông qua luật hỗ trợ tự do, bất kể ở đâu trên thế giới. Cho nên những gì chúng ta làm hôm nay, tôi hy vọng mọi người hiểu, hy vọng toàn thế giới thấy cuộc nói chuyện ở đây của chúng ta dù tranh luận bất đồng về rất nhiều vấn đề khác nhau, nhưng khi chúng ta nói về tự do, nói về Trung Quốc, tôi hy vọng thế giới thấy rằng chúng ta đang nói bằng một tiếng nói, rằng hai đảng thống nhất nhau.”

Ông McCarthy đề cập, nhìn lại lịch sử có hai sự kiện mà ông hy vọng trực tiếp chứng kiến: sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự kiện Thiên An Môn.

“Vào tháng 4 [năm 1989] tôi thấy các sinh viên và tìm hiểu tại sao họ đến quảng trường, được biết tất cả là vì tự do. Ý tưởng về tự do không bị giới hạn ở ranh giới quốc gia. Đó là bản chất con người, mọi người đều khao khát điều đó, mọi người đều có ý tưởng về sự tôn trọng và cất lên tiếng nói.” ông McCarthy nói.

Trong sự kiện thảo luận này có chủ đề “Từ Bức tường Dân chủ đến Quảng trường Thiên An Môn đến cầu Tứ Thông”, theo đó có 3 bức ảnh lớn được đặt tại địa điểm hội thảo, đó là Bức tường Dân chủ Trung Quốc năm 1979, Người đàn ông xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và biểu ngữ phản đối trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh vào năm 2022.

Chủ tịch Mike Gallagher của Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung Quốc của Hạ viện nói rằng, dù là 34 năm trước hay bây giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa hết hoang tưởng và tàn độc.

“Tại sao Bắc Kinh lại bị ám ảnh bởi việc ngăn chặn mọi cuộc thảo luận về vụ thảm sát Thiên An Môn? Bởi vì họ rất sợ mất quyền kiểm soát một trong những cuộc thảo luận quan trọng nhất đối với họ”, ông Gallagher nói, “Biện bạch của họ là nhân dân Trung Quốc khao khát Đảng mang lại an toàn, tự cho rằng khao khát đó vượt lên mọi quyền tự do của lương tâm đầy hãnh tiến đáng ghét.”

“Đó là lý do tại sao tuần này ĐCSTQ đã di dời mốc cầu Tứ Thông khỏi phần mềm bản đồ Trung Quốc, đó là [vì cầu Tứ Thông ghi dấu] kháng nghị nổi tiếng vào tháng 10 năm ngoái của ‘chiến binh’ Bành Lập Phát (Peng Lifa), điều đó kéo theo ‘Phong trào Giấy trắng’ sau này.”

Ông Gallagher nhấn mạnh rằng hoạt động kháng nghị của ông Bành Lập Phát tại cầu Tứ Thông cho chúng ta biết rằng, ngày hôm nay không chỉ là để nhớ lại những gì đã xảy ra 34 năm trước, mà còn là những bài học của thời đại chúng ta.

Ông cũng cho rằng, sau sự kiện Thiên An Môn 34 năm trước, Mỹ đã đưa ra quyết định sai lầm với những kỳ vọng sai lầm. “Chúng ta (phía Mỹ) tách tình trạng thương mại ra khỏi nhân quyền, từ đó chúng ta giúp họ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Khi chúng ta chứng kiến cảnh ‘người xe tăng’ thì chúng ta nên thức tỉnh”, ông Gallagher nói, “Chúng ta kể câu chuyện cổ tích của chính mình rằng khi Trung Quốc tự do hóa về kinh tế sẽ tự do hóa về chính trị. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.”

Nhưng ông Gallagher cho rằng vẫn chưa quá muộn để Mỹ rút ra bài học.

Về phía Đảng Dân chủ, Trưởng ban Raja Krishnamoorthi thì hưởng ứng lời kêu gọi từ các đảng viên Cộng hòa, cho hay Quốc hội Mỹ sẽ không quên lịch sử này. “Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông ấy sẽ trấn áp các hoạt động lật đổ và ly khai của các thủ lĩnh ‘thế lực thù địch’, ông ấy đang nói với thế giới rằng ĐCSTQ sẽ cử xe tăng đến đàn áp những người đấu tranh cho tự do”, ông Krishnamoorthi nói, “Hôm nay, hai bên của chúng tôi cùng lên tiếng: không thể thực hiện như thế một lần nữa.”

“Chúng tôi sẽ lên tiếng vì tự do”, ông Krishnamoorthi nhấn mạnh.

Ngoài nhiều thành viên lưỡng đảng của Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung của Hạ viện, những người tham gia sự kiện còn có ông Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) là nhà hoạt động tích cực tham gia thúc đẩy sự phát triển dân chủ ở Trung Quốc, và ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) – một nhà lãnh đạo của phong trào sinh viên Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Ngoài ra đáng chú ý là trước thềm kỷ niệm 34 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo của hai đảng trong Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã công bố đề cử 3 công dân Trung Quốc là ứng viên tranh giải Nobel Hòa bình năm 2023: ông Bành Lập Phát – nhân vật chính của cuộc biểu tình cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, phóng viên tự do Trương Triển (Zhang Zhan), và sinh viên Lý Khang Mộng (Li Kangmeng) của Học viện Truyền thông Nam Kinh. Các nhà lập pháp nhấn mạnh: “Tinh thần dũng cảm của những anh hùng này nên được tôn vinh trên toàn thế giới”.

Mộc Vệ (theo Đài VOA)