Ngày 1/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đến thăm Trung Quốc và có cuộc gặp tại Bắc Kinh với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong 3 giờ. Trong cuộc gặp này, ông Michel đã nhắc đến “Phong trào Giấy trắng” cũng như “vấn đề nhân quyền cơ bản”.

51957045737 4475f8c7da b
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel.(Nguồn:  EP – CC-BY-4.0/ Flickr)

Tại Trung Quốc vào cuối tuần trước đã nổ ra Phong trào Giấy trắng ở nhiều thành phố với các khẩu hiệu chống (ĐCSTQ) và chống lãnh đạo Tập Cận Bình. Nhân dịp thăm Trung Quốc này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đã nêu ra “vấn đề nhân quyền” trong cuộc gặp với ông Tập tại Bắc Kinh, nhắc lại rằng hội họp ôn hòa là quyền cơ bản. Tuy nhiên, ông Tập tiếp tục ca ngợi những thành tựu của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, nhấn mạnh niềm tin vào sự ổn định xã hội Trung Quốc.

Người phát ngôn của ông Michel tiết lộ trong một tuyên bố rằng ông Michel và ông Tập Cận Bình đã thảo luận về “phản ứng của xã hội đối với chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19”: “Họ đã trao đổi quan điểm về đại dịch COVID-19, bao gồm các trải nghiệm liên quan ở châu Âu và Trung Quốc, cách làm và phản ứng của xã hội mỗi nơi”.

Ông Michel cũng cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã nêu với Tập Cận Bình các vấn đề về nhân quyền, quyền tự do cơ bản và quyền của người thiểu số, nhắc lại tầm quan trọng của “biểu tình ôn hòa”. “Quyền biểu tình ôn hòa là quyền cơ bản được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến pháp của tất cả các nước”.

Tuyên bố của châu Âu không tiết lộ phản ứng của ông Tập Cận Bình trước làn sóng biểu tình và vấn đề nhân quyền, còn thông cáo báo chí do Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa ra cũng không đề cập đến vấn đề nhân quyền mà ông Michel nêu ra.

Ngày 24/11, tại Tân Cương Trung Quốc xảy ra vụ hỏa hoạn chung cư khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, một trong những nguyên nhân được chỉ ra vì biện pháp phong tỏa cộng đồng chống COVID-19, sau đó người dân Trung Quốc tại nhiều nơi đã tự phát ra đường biểu tình lên án chính sách chống dịch hà khắc, đặc biệt là ở Thượng Hải đi đầu trong kêu gọi bỏ phong tỏa rồi nâng lên thành dân chủ hóa chính trị với các khẩu hiệu như “Đả đảo ĐCSTQ”, “Tập Cận Bình từ chức”. Sinh viên từ hàng chục trường đại học trên khắp Trung Quốc, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, đã tiếp nối bằng các cuộc mít tinh, diễn văn, dán khẩu hiệu và giơ cao tờ giấy trắng bày tỏ tức giận trước những hạn chế hà khắc của chính quyền đối với quyền tự do cá nhân, qua đó bày tỏ yêu cầu tự do và dân chủ đất nước.

Như vậy, chỉ một tháng sau khi Đại hội 20 ĐCSTQ kết thúc, ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới của nhà cầm quyền này đã vướng vào cơn bão chính trị lớn nhất kể từ sau phong trào Thiên An Môn năm 1989.

Đánh giá về sự kiện này, ông Hồ Bình (Hu Ping) – tổng biên tập danh dự của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” (Beijingspring) của người Hoa tại Mỹ, nói rằng ông đã nhiều lần dự đoán biện pháp chống dịch ‘Zero COVID’ sẽ gây khốn đốn cho ông Tập Cận Bình, điều đó giờ đây đã minh chứng. Ông nói: “Chính quyền ĐCSTQ và Tập Cận Bình phải chịu nguy cơ kép: thứ nhất, người dân yêu cầu chấm dứt ‘Zero COVID’, thứ hai là yêu cầu cải cách chính trị. Chỉ nhìn vào hoạt động biểu tình ở khắp nơi cho thấy cái gọi là chiến thắng vĩ đại nhờ ‘Zero COVID’ mà Tập Cận Bình khoe khoang đã trở thành trò hề, đồng thời đập tan tham vọng nhào nặn thần thánh hóa bản thân của Tập Cận Bình”.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) sáng lập tổ chức nhân quyền “Quyền lực Công dân” (Citizen Power Initiatives for China) cho biết rằng, một trong những hậu quả trực tiếp nhất của phong trào biểu tình là đập tan thần thánh hóa cá nhân Tập Cận Bình cũng như cái cảm giác sợ hãi trong ĐCSTQ và trong xã hội Trung Quốc đối với ông ta. Ông nói: “Tất nhiên Tập Cận Bình rất sợ một phong trào như vậy, chỉ riêng vấn đề yêu cầu bỏ lệnh phong tỏa và thay đổi chính sách ‘Zero COVID’ đã làm Tập Cận Bình lo ngại, vì đây là chính sách của ông ấy và đích thân ông ấy chỉ đạo. Bất kể phong trào này kết thúc như thế nào thì bầu không khí chính trị của Trung Quốc đã thay đổi, quan niệm về Tập Cận Bình đã thay đổi, Tập Cận Bình đã ‘bật ra khỏi bàn thờ’”.

Khi các cuộc biểu tình leo thang, rõ ràng ĐCSTQ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát: cảnh sát lục soát điện thoại di động của người dân, cảnh báo những người có khả năng biểu tình và thẩm vấn những người đã bị giam giữ; tại những nơi diễn ra các cuộc biểu tình và mít tinh như ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nhà chức trách đã huy động quy mô lớn cảnh sát đẩy mạnh kiểm tra người qua đường và khám xét ba lô của những người trẻ tuổi…

Cần chú ý là những thứ mà cảnh sát đang tìm kiếm không phải vũ khí hay sách bị cấm mà là những tờ giấy trắng, bởi vì đó là biểu trưng của sự kiện phản kháng trên quy mô hiếm thấy tại Trung Quốc này. Có bình luận cho rằng đối với một nhà độc tài không dung thứ cho bất đồng chính kiến, tờ giấy trắng bất ngờ trở thành thách thức không thể chấp nhận, như vậy cho thấy ông Tập Cận Bình đã rất sợ hãi trước các cuộc biểu tình lan rộng.

Miêu Vi, Vision Times