Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, mục đích của các biện pháp trừng phạt sắp tới của EU là “phá vỡ bộ máy chiến tranh của Nga”. Tuyên bố được EU tự tin đưa ra khi Đức “đổi chiều” và ủng hộ động thái này.

Embed from Getty Images

Đại sứ các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận đề xuất về giai đoạn cấm nhập khẩu dầu của Nga vào thứ Tư tại Brussels.

Những người ủng hộ lệnh cấm dường như đã trở nên tự tin hơn bởi sự thay đổi của Đức, nơi sự phụ thuộc vào dầu của Nga đã giảm từ 35% vào cuối năm ngoái xuống còn 12%.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, đã kêu gọi các nước thành viên EU thể hiện “tình đoàn kết với Ukraine” và làm phần việc của mình.

Phát biểu tại lễ khai trương một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới ở cảng Alexandroupolis của Hy Lạp, người đứng đầu Hội đồng châu Âu, Charles Michel, đồng thời là người chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU, cho biết cuộc chiến ở Ukraine là “thời điểm cấp bách, thời điểm của sự thật”.

Ông nói: “Mục tiêu của chúng ta rất đơn giản: chúng ta phải phá vỡ bộ máy chiến tranh của Nga. Và tôi tin tưởng rằng hội đồng sắp áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là đối với dầu của Nga”.

Ủy ban châu Âu sẽ gửi đề xuất của mình về lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với nhập khẩu dầu của Nga tới các nước vào tối thứ Ba trước bài phát biểu vào thứ Tư của chủ tịch ủy ban, Ursula von der Leyen, trong đó bà sẽ trình bày chi tiết với quốc hội châu Âu. 

Dầu Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu vào EU, mặc dù mức độ khác nhau giữa các nước thành viên. Cuối tuần qua, chính phủ Đức đã phát đi tín hiệu rằng họ tin tưởng có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng dầu Nga “vào cuối mùa hè”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia, Richard Sulík, cho biết hôm thứ Ba rằng đât nước ông phụ thuộc lớn vào dầu Nga và sẽ không thể chấm dứt dòng chảy này trong vài năm.

Slovakia cho biết họ cần từ 4 đến 6 năm để chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của mình sang chế biến dầu thô từ các nguồn khác, mặc dù ủy ban cho rằng giai đoạn loại bỏ như vậy là quá dài.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, Péter Szijjártó, cũng cho biết Budapest không thể ủng hộ các lệnh trừng phạt.

Ông nói: “Vấn đề rất đơn giản: nguồn cung cấp năng lượng của Hungary không thể bị đe dọa, bởi vì không ai có thể mong đợi chúng tôi cho phép người Hungary phải trả giá cho cuộc chiến [ở Ukraine]. “Về mặt vật chất, Hungary và nền kinh tế của nước này không thể hoạt động nếu không có dầu của Nga”.

Cũng như Slovakia và Hungary, Bulgaria và Cộng hòa Séc phụ thuộc nhiều vào dòng chảy của dầu từ Nga. Các bình luận từ Budapest và Bratislava phản ánh mong muốn tối đa hóa đòn bẩy của họ trong các cuộc thảo luận nội bộ.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất được đề xuất sẽ cần được nhất trí thông qua để trở thành vòng trừng phạt thứ sáu của EU đối với nền kinh tế Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai.

Các biện pháp này được cho là nhạy cảm nhất về mặt chính trị, bởi các quan chức lo ngại rằng việc tăng giá dầu đột ngột có thể dẫn đến giá bơm xăng tăng vọt, gây ra các cuộc biểu tình.

Trong cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Tổng thống Nga cho biết các lệnh trừng phạt của EU đang gây ra vấn đề về nguồn cung thực phẩm ở châu Âu. 

Ông Putin cũng tuyên bố rằng “bất chấp sự không nhất quán của Kyiv và sự thiếu sẵn sàng cho các công việc nghiêm túc, phía Nga vẫn sẵn sàng đối thoại”.

Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ đề xuất loại bỏ dần dầu của Nga trong vòng sáu đến chín tháng, với một số quốc gia được phép thêm thời gian và cung cấp nguồn cung thay thế từ các quốc gia thành viên khác.

Ba Lan và các nước Baltic, những đồng minh mạnh nhất của Ukraine trong EU, muốn có lệnh cấm ngay lập tức nhưng lập trường này có vẻ sẽ không được ủng hộ.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu về năng lượng, Kadri Simson, cho biết bà sẽ trình bày một kế hoạch vào cuối tháng này về việc EU có thể thay thế 2/3 lượng khí đốt của Nga vào cuối năm 2022.

Phát biểu tại quốc hội châu Âu, bà Simson cho biết chi nhánh hành pháp của EU đang tìm cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ khí đốt sang năng lượng tái tạo.

Vào hôm thứ Hai, bà đã cảnh báo rằng một số lượng lớn các công ty năng lượng châu Âu phải đối mặt với quyết định vào giữa tháng 5 về việc có nên vi phạm các lệnh trừng phạt của EU bằng cách thanh toán hóa đơn bằng đồng rúp theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin, hay có khả năng mất nguồn cung.

Xuân Lan (theo The Guardian)