Hai cố Tổng thống Mỹ John F Kennedy và Ronald Reagan đã có những bài phát biểu lịch sử tại Berlin, còn ông Joe Biden cũng có chuyến thăm lịch sử đến Kyiv, và liệu khoảnh khắc này có giúp ông trong cuộc đua nhiệm kỳ 2 sắp tới?

Embed from Getty Images

Bài phát biểu của ông Biden ở Kyiv tuy không có những câu nói đã đi vào lịch sử như “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin) của TT Kennedy năm 1963 hay “Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này” của TT Reagan năm 1987, nhưng bản thân chuyến đi đã mang sức nặng của một lời tuyên bố hùng hồn.

Nhà Trắng đã nhân cơ hội này nhấn mạnh nhiều lần vào thứ Hai rằng, đây là chuyến đi chưa có tiền lệ trong thời hiện đại. Nó không giống với các chuyến thăm căn cứ quân sự ở Afghanistan và Iraq, bởi quân đội Hoa Kỳ đảm bảo an ninh ở các quốc gia đó.

Khi đến Kyiv, ông Biden đã bước vào vùng chiến sự và đặt sự an toàn của mình vào tay các lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như người Nga. Moscow đã được báo trước vài giờ trước khi ông Biden vượt qua biên giới. Việc thông báo này được đặt trên tính toán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không mạo hiểm với tiền lệ ám sát Tổng thống Mỹ hay phát động một cuộc chiến toàn diện với phương Tây. Đây là một tính toán hợp lý, nhưng dù sao cũng yểm tàng rủi ro nhất định.

Đó là một quyết định táo bạo và nó củng cố tuyên bố của ông Biden về vai trò lãnh đạo thế giới tự do của mình. 

Tuy nhiên, liệu điều này có giúp ích cho vị thế của ông Biden ở quê nhà hay không còn là một dấu hỏi. Tỷ lệ tán thành dành cho ông vẫn ở mức rất thấp sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, lạm phát, khủng hoảng biên giới và khủng hoảng giá năng lượng. 

Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm diễn ra từ tháng 8 năm 2021 và cho đến nay vẫn chưa được đảo ngược dù cho ông đã đưa ra các số liệu kinh tế tích cực gần đây, hay thuyết trình hùng hồn trong thông điệp liên bang hồi đầu tháng này. 

Sự không tán thành dành cho ông Biden dường như xuất phát từ thực tế rằng ông đã ở tuổi 80 và đã quá già. Những lần nói lắp và dáng đi không được nhanh nhẹn tạo ra ấn tượng người đàn ông này khó có thể lãnh đạo đất nước một cách mạnh mẽ trong nhiệm kỳ hai.

Vì thế, sự xuất hiện táo bạo của ông ở Kyiv, đi dạo quanh thành phố trong chiếc kính râm phi công trẻ trung bên cạnh Tổng thống Volodymyr Zelensky đang tràn đầy lòng biết ơn và ngưỡng mộ dường như nhằm mục đích giải quyết vấn đề về nhận thức đó cho công chúng Mỹ, rằng tuổi tác và thể lực không phải là vấn đề lớn đối với ông.

Tuy vậy, đảng Cộng hòa đã cố gắng mô tả ông như một người siêng năng việc ngoài mà lơ là việc nhà. 

“Tôi và nhiều người Mỹ đang tự nghĩ: OK, ông ấy rất quan tâm đến những đường biên giới cách đây nửa vòng trái đất. Nhưng ông ấy đã không làm bất cứ điều gì để đảm bảo an toàn cho biên giới của chính chúng ta ở đây … chúng ta có rất nhiều vấn đề tích tụ ở đây,” Thống đốc bang Florida Ron DeSantis nói với Fox TV.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông DeSantis đã hạ thấp mối đe dọa của Nga. “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi về việc Nga xâm lược vào các quốc gia NATO và tất cả những thứ đó, và đang giảm dần, điều đó thậm chí còn chưa xảy ra,” ông nói.

Có một thực tế ở Mỹ rằng, chính sách đối ngoại thường không có xu hướng ảnh hưởng nhiều đến các cuộc bầu cử Tổng thống. Những bài phát biểu nổi tiếng ở Berlin của các ông Kennedy và Reagan đã tăng điểm cho họ về mặt bầu cử như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Ông Kennedy đã bị ám sát trước khi ứng cử nhiệm kỳ thứ hai, còn ông Reagan đã tái đắc cử và đang ở năm cuối cùng tại vị.

Đối với ông Biden, chuyến tàu đến Kyiv sẽ đi vào lịch sử, nhưng người làm nên lịch sử không nhất thiết sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

Xuân Lan