Một chuyên gia bầu cử nói với The Epoch Times rằng gian lận cử tri không phải là chuyện hoang đường bởi vì gần 1.300 trường hợp đã được chứng minh tồn tại.

Embed from Getty Images

Ông Hans von Spakovky, một luật sư quản lý Bộ phận Sáng kiến Cải cách Luật Bầu cử thuộc Tổ chức The Heritage Foundation đã chỉ ra rằng trong cơ sở dữ liệu do tổ chức này quản lý, có 1.298 trường hợp đã được chứng minh là gian lận cử tri. 

Ông von Spakovsky nói với The Epoch Times: “Đó không phải danh sách đầy đủ. Đó chỉ là một số trường hợp.”

“Vấn đề ở đây là không có ai làm gì đối với các trường hợp có khả năng gian lận. Các quan chức được bầu không chuyển những trường hợp này sang lực lượng thực thi pháp luật, còn lực lượng thực thi pháp luật không điều tra chúng. Và chúng tôi biết rằng những trường hợp gian lận trên thực tế lớn hơn rất nhiều số trường hợp đã được chứng minh trong cơ sở dữ liệu.”

Những trường hợp gian lận gần đây được bổ sung vào danh sách gồm ông Reginald Holdman, thành viên Hội đồng thành phố ở Ashtabula, bang Ohio, người đã nhận tội và từ chức sau khi một cuộc điều tra xác nhận rằng ông đã đăng ký bất hợp pháp tại địa chỉ của cha mẹ mình tại Ashtabula thay vì tại nơi cư trú thực tế của mình tại một thị trấn khác; và ông Courtney Rainey, một cư dân Mississippi, bị kết tội hối lộ và quấy rối các cá nhân để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thành phố.

Sự gia tăng chưa từng thấy số phiếu bầu qua thư trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm nay và con số kỷ lục dự đoán sẽ đạt đến tại cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11 đang làm các chuyên gia lo ngại. Họ chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, tỷ lệ phiếu bầu qua thư bị từ chối lớn hơn phiếu bầu trực tiếp. Điều đó có nghĩa là hệ thống này đã đạt đến độ chín muồi để gian lận, đặc biệt tại các tiểu bang không yêu cầu chữ ký.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến bầu cử địa phương và tiểu bang.

1/5 số phiếu bầu qua thư tại thành phố New York trong cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ của Đảng Dân chủ đã bị từ chối. California đã từ chối hơn 100.000 phiếu bầu qua thư trong cuộc bầu cử sơ bộ tháng 3. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, phiếu bầu qua thư của những cử tri trẻ, cử tri mới đăng ký và cử tri thuộc nhóm thiểu số có tỷ lệ cao bị từ chối.

Hạ nghị sĩ Rodney Davis (Đảng Cộng hòa – bang Illinois) nói với The Epoch Times “Vấn đề này ảnh hưởng đến cử tri trẻ tuổi và cử tri da màu nhiều hơn các nhóm cử tri khác.”

Năm đó, cuộc đua giành vị trí Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho khu vực bầu cử quốc hội thứ 9 của bang North Carolina đã kết thúc với mức chênh lệch 900 phiếu bầu. Bảy người đã bị buộc tội giả mạo các lá phiếu bầu vắng mặt trong cuộc bầu cử đó. Một thẩm phán đã ra lệnh tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới.

Các vấn đề khác bao gồm phiếu bầu của những người không phải công dân Mỹ và danh sách cử tri lỗi thời.

Theo số liệu kiểm toán công bố vào tháng trước, gần 350.000 người đăng ký đã chết vẫn có tên trong danh sách cử tri ở khắp 41 bang.

Báo cáo của Tổ chức Pháp lý Lợi ích Công cộng (Public Interest Legal Foundation) cho biết hàng chục nghìn người được “tín nhiệm” bỏ phiếu sau khi họ đã chết, hàng chục nghìn người khác đã đăng ký và bỏ phiếu tại nhiều bang, hàng chục nghìn cử tri đăng ký nhiều lần trong cùng một tiểu bang và bỏ nhiều lá phiếu.

Ông Von Spakovsky nói: “Chỉ tính hai cuộc bầu cử liên bang gần đây nhất, tổng số trường hợp có nguy cơ gian lận mà họ phát hiện là hơn 140.000 trường hợp.”

Các bức ảnh chụp các phiếu bầu được trải dài ra đang lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy nhiều người trên khắp nước Mỹ đã nhận được nhiều lá phiếu bầu (thay vì chỉ một phiếu) trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Vấn đề này có liên quan đến danh sách cử tri.

Ông Von Spakovsky nói: “Các danh sách đăng ký cử tri trên toàn tiểu bang không được quản lý tốt. Các quan chức bầu cử đã không làm tốt chức trách của mình để duy trì sự chính xác của chúng. Họ đã không cập nhật thường xuyên để loại bỏ tên của những người đã chuyển đi hoặc đã chết ra khỏi danh sách đăng ký.”

“Và bởi vì vấn đề đó, tôi nghĩ rằng các tiểu bang này đã không tính toán kỹ khi gửi lá phiếu bầu bằng thư đến tất cả cử tri đã đăng ký. Tuy nhiên đối với những người không sống ở đó nữa hoặc những người đã chết, có khả năng những người khác sẽ lấy những lá phiếu này và mang chúng đi bầu.

“Và liệu các lá phiếu gian lận này có qua mắt được các quan chức bầu cử hay không thì còn tùy thuộc vào khả năng của các quan chức bầu cử trong việc phát hiện các lá phiếu gian lận. Lịch sử trong quá khứ cho thấy họ không quá giỏi trong việc này.”

Zachary Stieber / The Epoch Times

Xem thêm: